Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm
Năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm đối với 5.280 cơ sở; trong đó 720 cơ sở vi phạm, phạt hơn 2,1 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu, tiêu hủy trên 266 triệu đồng. Điều đó cho thấy, việc tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm ngày càng trở nên bức thiết, vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Vấn đề đặt ra là cần nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP) tại địa phương; kiểm soát tình trạng mất ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế. Các cấp, các ngành, cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, ATTP, từng bước khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới.
Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về công tác bảo đảm ATTP của các ngành tại các tuyến, theo hướng thống nhất một đầu mối thực hiện nhiệm vụ. Thực hiện phân cấp, phân quyền đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp đảm bảo khoa học, chặt chẽ, hiệu quả. Chú trọng cải cách hành chính trong việc thẩm định, cấp phép về ATTP. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, ATTP liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành theo chỉ đạo.
Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm ATTP để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, ATTP.
Duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn, chất lượng. Ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Đồng thời, kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm được thiết lập, giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, đảm bảo ATTP và quyền lợi cho người tiêu dùng; xây dựng thị trường nông sản an toàn đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng và xuất khẩu…
Bám sát chỉ đạo của Trung ương và tỉnh, rà soát, thực hiện phân công, phân cấp quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo từng loại hình và theo từng ngành, từng cấp quản lý trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực tham mưu và thực thi công vụ của đội ngũ công chức, viên chức làm công tác ATTP.
Thường xuyên rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo về ATTP các cấp; tổ chức tốt các hoạt động phối hợp liên ngành; phát huy vai trò của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức chính trị - xã hội. Tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh ATTP, nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh ATTP.
Phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội, ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng. Tiếp tục phối hợp với các ngành nghiên cứu, đề xuất, ban hành quy chuẩn về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của địa phương. UBND các cấp thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn liên quan tổ chức thực hiện công tác bảo đảm ATTP và chịu trách nhiệm toàn diện tại địa phương.
Nghiên cứu xây dựng mô hình điểm kiểm soát về ATTP, mô hình trình diễn sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chuỗi; nhân rộng mô hình đã triển khai thành công, mang lại hiệu quả thiết thực. Triển khai hiệu quả công tác giám sát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho các sự kiện chính trị, thể thao, văn hóa, du lịch lớn của tỉnh, của các địa phương.
Tích cực vận động nhân dân tham gia phát giác, tố giác cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tới các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.