Bảo đảm an ninh nguồn nước cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Ngày 4-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trả lời về những vấn đề mà không chỉ đại biểu Quốc hội mà cử tri cũng rất quan tâm như việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước, tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; quản lý bán hàng online, quản lý thuốc lá điện tử... Nhiều cử tri đã gửi ý kiến đến Báo Quân đội nhân dân, nhìn chung đánh giá cao chất lượng phiên chất vấn, đồng thời thể hiện mong muốn các Bộ trưởng tiếp tục quan tâm giải quyết dứt điểm những vấn đề mà cử tri quan tâm.

Ông HOÀNG ĐỨC THẢO, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam: Chú trọng nghiên cứu các giải pháp công nghệ để bảo đảm an ninh nguồn nước

Vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước là một nội dung rất quan trọng được đưa ra tại phiên chất vấn. Để bảo đảm an ninh nguồn nước, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, nghiên cứu khoa học-công nghệ để bảo đảm an ninh nguồn nước là giải pháp đã mang lại hiệu quả và cần được chú trọng thúc đẩy hơn nữa trong thời gian tới.

 Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội. Ảnh: baotainguyenmoitruong.vn

Hiện nay, nhiều công nghệ đang được ứng dụng trên cả nước, như: Công nghệ khai thác, xử lý và cấp nước sạch thích ứng với điều kiện vùng núi cao, vùng khan hiếm nước; xây dựng hệ thống giám sát và điều hành lũ; ứng dụng công nghệ bê tông cốt phi kim để xây dựng công trình chắn sóng bảo vệ các đoạn đê biển; xây dựng bộ bản đồ rủi ro ngập lũ theo các kịch bản và các giải pháp nhằm giảm rủi ro do thiên tai, lũ, ngập lụt ở các khu vực tập trung đông dân cư, đô thị vùng miền núi... Theo nghiên cứu từ Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, việc ứng dụng khoa học-công nghệ trong lĩnh vực trên giúp tiết kiệm 20% lượng nước tưới, giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; huy động các nguồn lực để đầu tư các dự án, công trình đập, hồ chứa nước. Đồng thời, Việt Nam cần lựa chọn chuyển giao các công nghệ tiên tiến, phù hợp từ nước ngoài về ứng dụng trong nước để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước phục vụ dân sinh, phát triển kinh tế-xã hội, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

LA DUY (ghi)

------------------------

Cử tri PHAN HỮU THẠCH, phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng: Ngành tài nguyên và môi trường cần nhìn nhận rõ hơn những tồn tại, hạn chế

Tôi thấy phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh khá thẳng thắn, nội dung trả lời ngắn gọn, bám sát những vấn đề mà các đại biểu và dư luận quan tâm, nhất là những nội dung liên quan đến vấn đề tài nguyên môi trường, ô nhiễm môi trường, đặc biệt là quản lý nguồn phát thải, xả thải từ các khu công nghiệp, làng nghề ra các dòng sông gây ô nhiễm nguồn nước, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, tôi thấy phần Bộ trưởng trả lời tranh luận với đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) về tác động, ảnh hưởng đến môi trường khi sử dụng cát biển để làm các công trình chưa được thỏa đáng, cụ thể, còn chung chung. Theo tôi, để có những giải pháp căn cơ góp phần giải quyết tồn tại trong việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển, tài nguyên nước, đặc biệt là các tài nguyên khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan cần có chính sách hợp lý, có sự hợp tác công-tư bảo đảm nguồn xã hội hóa; ban hành đơn giá dịch vụ hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho những doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, ngành tài nguyên và môi trường cần nhìn nhận rõ hơn những tồn tại, hạn chế, cũng như trách nhiệm của các bộ, ngành, qua đó kịp thời đề ra những giải pháp hữu hiệu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, tài nguyên biển, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, các cơ quan, lực lượng chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, đặc biệt là những trường hợp cố tình xả thải ra môi trường.

LÂM ANH (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-can-trien-khai-dong-bo-nhieu-giai-phap-779741