Quy định mới về trích lại tiền phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số xe

Một phần tiền phạt vi phạm giao thông và một phần khoản thu tiền đấu giá biển số xe sẽ được bố trí để hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm trật tự ATGT.

Hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị bảo đảm ATGT

Luật Trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ vừa được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đã đưa ra những quy định mới về trích lại tiền phạt vi phạm giao thông và đấu giá biển số xe.

Cụ thể, Điều 4 của Luật nêu, bảo đảm ngân sách nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, TTATGT. Ảnh: CSGT Hà Nội.

Cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, TTATGT. Ảnh: CSGT Hà Nội.

Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự ATGT theo quy định của Chính phủ.

Hiện đại hóa các trung tâm chỉ huy giao thông; bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu về trật tự ATGT đường bộ giữa các cơ quan nhà nước có liên quan.

Đồng thời, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học, công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

Đầu tư, xây dựng, chuyển giao hệ thống, phương tiện, thiết bị giám sát và khuyến khích cơ quan, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT phù hợp với quy định của pháp luật.

Chính phủ quy định chi tiết việc trích lại tiền phạt vi phạm giao thông

Trước khi Quốc hội thông qua Luật Trật tự ATGT đường bộ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Theo ông Lê Tấn Tới, về chính sách của Nhà nước về trật tự ATGT đường bộ (Điều 4), nhiều ý kiến nhất trí với quy định về trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm giao thông sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để phục vụ công tác bảo đảm ATGT.

Có ý kiến đề nghị quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước; có ý kiến đề nghị bổ sung quy định trích lại tiền thu được từ đấu giá biển số xe.

Khoản 1 Điều 4 Luật Trật tự ATGT đường bộ quy định về chính sách của Nhà nước về trật tự, ATGT đường bộ: Bảo đảm ngân sách Nhà nước, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ. Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự,ATGT đường bộ.

Bố trí tương ứng từ các khoản thu tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, ATGT đường bộ và tiền đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, ATGT theo quy định của Chính phủ.

Tiếp thu các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, UBTVQH đã chỉ đạo trao đổi với Chính phủ để thống nhất chỉnh sửa quy định này tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi trong quá trình thực hiện.

Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trích lại một phần khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về TTATGTĐB sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước; đề nghị quy định rõ trích lại bao nhiêu phần trăm; đề nghị sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước.

UBTVQH thấy rằng thực tế, trong những năm gần đây, Quốc hội đã phân bổ ngân sách theo hướng bố trí dự toán chi ngân sách 100% nguồn thu xử phạt vi phạm giao thông sau khi nộp vào ngân sách Nhà nước để tăng cường công tác bảo đảm ATGT. Tỉ lệ phân bổ cho Bộ Công an và địa phương tùy thuộc vào nhu cầu từng năm.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng còn có khó khăn, vướng mắc, do chưa được quy định trong luật. Đến nay, nguồn kinh phí xử phạt vi phạm hành chính năm 2024 được Quốc hội quyết định bố trí, nhưng vẫn chưa được cấp do chưa rõ văn bản hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

Sau khi luật này được thông qua, Chính phủ phải ban hành văn bản để quy định cụ thể đối tượng áp dụng, đối tượng được bố trí, các khoản được bố trí, sử dụng kinh phí, lập dự toán, giao dự toán và quyết toán kinh phí được bố trí trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước (không phải sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước) để tạo thuận lợi, thống nhất trong quá trình thực hiện.

Luật mới có các quy định tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: N.H.

Luật mới có các quy định tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông. Ảnh: N.H.

Ngày 22/6/2024, Chính phủ có văn bản số 335/BC-CP đề nghị "Bố trí tương ứng các khoản thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và một phần khoản thu từ tiền đấu giá biển số xe đã nộp vào ngân sách Nhà nước năm trước để tăng cường, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, phục vụ bảo đảm an ninh, trật tự, ATGT. Giao Chính phủ quy định chi tiết khoản này".

Do vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép giữ lại nội dung này và có chỉnh sửa tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật như đề xuất của Chính phủ.

Tổ chức, cá nhân tham gia, giúp đỡ công tác bảo đảm ATGT được khen thưởng

Luật cũng quy định, bảo đảm công bằng, bình đẳng, an toàn đối với người tham gia giao thông đường bộ; tạo thuận lợi cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già yếu, người khuyết tật trong tham gia giao thông.

Xây dựng văn hóa giao thông; giáo dục, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức về giao thông đường bộ cho trẻ em, học sinh để hình thành, nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân và tự giác chấp hành luật khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù.

"Người bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; người bị thương, bị tổn hại về sức khỏe, tính mạng thì bản thân, gia đình được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật", Điều 4 của Luật nêu rõ.

Hoàng Lam

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/quy-dinh-moi-ve-trich-lai-tien-phat-vi-pham-giao-thong-va-dau-gia-bien-so-xe-192240627153323763.htm