Bảo đảm an ninh nguồn nước là kim chỉ nam thực hiện Luật Tài nguyên nước

Sáng 21-6, tại TP Hải Phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị phổ biến, tuyên truyền Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Ngày 27-11-2023, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15. Để quy định chi tiết thi hành Luật, ngày 16-5-2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước, Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, ngày 16-5-2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành 3 thông tư quy định chi tiết thi hành Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên có hiệu lực đồng thời với thời điểm Luật Tài nguyên nước có hiệu lực, ngày 1-7-2024.

 Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng nêu rõ, Luật Tài nguyên nước và các văn bản quy định chi tiết được ban hành, đánh dấu bước tiến rất lớn về tư duy, cách tiếp cận, thay đổi phương thức quản trị tài nguyên nước trong bối cảnh nguồn nước Việt Nam được đánh giá là còn nhiều thách thức.

Theo Thứ trưởng, để triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên nước trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, ngay khi các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, Bộ đã có 3 văn bản gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị phổ biến văn bản cũng như sẵn sàng triển khai khi các văn bản nêu trên có hiệu lực thi hành.

Ông Ngô Mạnh Hà, Phó cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, tài nguyên nước phải được quản lý tổng hợp, thống nhất về số lượng và chất lượng, giữa nước mặt và nước dưới đất, giữa thượng lưu và hạ lưu; bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia là kim chỉ nam trong quá trình thực hiện Luật Tài nguyên nước 2023.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Ông Ngô Mạnh Hà cũng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn về an ninh nguồn nước. Khoảng 60% tổng lượng dòng chảy xuất phát từ nước ngoài với 126/208 con sông có nguồn từ nước ngoài chảy vào nội địa. Quá trình công nghiệp hóa, khai thác năng lượng dòng chảy và mở rộng diện tích tưới tiêu nông nghiệp của những nước thượng nguồn đang gây khó khăn cho Việt Nam.

Theo chỉ tiêu đánh giá của Hiệp hội Tài nguyên nước quốc tế, quốc gia thiếu nước nếu chưa có đến 4.000 m3/người/năm. Trong khi đó, với dân số của nước ta như hiện nay, bình quân đầu người Việt Nam chỉ nhận được được khoảng 4.400 m3/người/năm từ nguồn nước nội sinh. Nguy cơ thiếu nước đã hiện hữu, vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn dưới tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Tin, ảnh: LA DUY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/bao-dam-an-ninh-nguon-nuoc-la-kim-chi-nam-thuc-hien-luat-tai-nguyen-nuoc-782023