Bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có nhiều điểm mới nhằm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Trong đó có những nội dung cốt lõi nhằm bảo đảm an sinh xã hội lâu dài đối với người dân. Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội ĐINH NGỌC QUÝ chia sẻ như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân.
Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội
- Tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều nội dung mới quan trọng. Xin ông cho biết những điểm mới đáng chú ý của Luật?
- Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy gồm 11 chương, 141 điều, tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành. Luật có nhiều quy định mới nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân theo quy định của Hiến pháp; sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH).
Một trong những sửa đổi quan trọng lần này của Luật là mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Theo Luật mới, các đối tượng mới thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh của hộ có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Đối với các đối tượng mới nêu trên được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng; sau ít nhất 12 tháng thực hiện đóng BHXH theo tiền lương làm căn cứ đóng BHXH đã lựa chọn thì người lao động được lựa chọn lại tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH đối với các đối tượng khác phù hợp hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và trên cơ sở trình của Chính phủ.
Để khuyến khích người trong độ tuổi lao động tham gia BHXH, Luật mới cũng mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
- Cụ thể, đó là những quy định mới nào liên quan đến mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH, thưa ông?
- Nhằm thể chế hóa về định hướng hình thành hệ thống BHXH đa tầng của Nghị quyết số 28-NQ/TW, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã quy định về chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người cao tuổi quy định tại Luật Người cao tuổi. Theo Luật mới, đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là người từ đủ 75 tuổi mà không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng; đối với những đối tượng trên nhưng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì được hưởng khi đủ 70 tuổi. Chế độ này do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Luật mới bổ sung một chương quy định nguyên tắc về bảo hiểm hưu trí bổ sungđể người lao động có cơ hội có thêm lương hưu từ sự đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động.
Luật mới còn bổ sung chế độ trợ cấp hàng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nhằm thể hiện liên kết tầng trong hệ thống BHXH, để người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thì được hưởng từ chính phần đóng góp của mình. Khi hưởng hàng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế, nếu bị mất trong thời gian đang hưởng thì thân nhân được hưởng nốt phần còn lại chưa hưởng và được hưởng chế độ mai táng.
Cùng với đó, Luật còn giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Về tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng, đối với lao động nam khi có 15 năm đóng BHXH, tỷ lệ lương hưu là 40%, sau đó tính thêm 1% cho mỗi năm đóng thêm đối với thời gian đến dưới 20 năm đóng BHXH nhằm giảm thiểu bất lợi đối với lao động nam về mức hưởng lương hưu hàng tháng.
Luật mới cũng bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn;bổ sung chế độ thai sản cho những người tham gia BHXH tự nguyện với mức 2 triệu đồng/con và do ngân sách nhà nước chi trả; mở rộng điều kiện hưởng chế độ thai sảnđối với lao động nữ phải điều trị vô sinh thì chỉ cần trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con có 6 tháng đóng BHXH bắt buộc.
Tối ưu hóa quyền lợi của người tham gia BHXH
- Quy định về hưởng BHXH một lần là vấn đề lớn, có tác động sâu sắc đến người dân, đặc biệt những trường hợp rút BHXH một lần đều có khó khăn về kinh tế. Vấn đề này được các đại biểu Quốc hội thảo luận rất sôi nổi. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã hài hòa vấn đề này như thế nào để đi đến thống nhất phương án cuối cùng, thưa ông?
- Thời gian qua, tình trạng người lao động rút BHXH một lần có xu hướng ngày càng gia tăng, dẫn đến nguy cơ hệ thống an sinh xã hội khó bảo đảm tính bền vững và về lâu dài, khi tuổi già người lao động sẽ gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng này, Quốc hội đã “chốt” phương án nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.
Theo Luật mới, việc hưởng BHXH một lầnvẫn được thực hiện đối với các trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ 15 năm đóng BHXH; bị bệnh hiểm nghèo; ra nước ngoài định cư; suy giảm khả năng lao động trên 81%. Riêng đối với trường hợp chưa đủ 20 năm đóng BHXH sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc và cũng không tham gia BHXH tự nguyện thì chỉ những người đã tham gia BHXH trước ngày 1.7.2025 mới được rút. Người tham gia từ ngày 1.7.2025 sẽ không còn được rút BHXH một lần như hiện nay.
- Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được thông qua đúng vào thời điểm Quốc hội quyết nghị thực hiện các nội dung cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW. Vậy, Luật mới còn sửa đổi những quy định gì gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW, thưa ông?
- Việc thực hiện các nội dung của cải cách chính sách tiền lương lần này đã được các cấp có thẩm quyền quyết định và bảo đảm nguyên tắc theo lộ trình, từng bước, thận trọng, chắc chắn, bảo đảm tính khả thi và góp phần nâng cao đời sống người hưởng lương. Theo đó, thực hiện đầy đủ 2 nội dung cải cách tiền lương khu vực doanh nghiệp theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động (tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 1.7.2024); quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 1.1.2025).
Đối với khu vực công, triển khai thực hiện các nội dung đã rõ, đủ điều kiện để thực hiện, gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng; quy định nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập; điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) từ ngày 1.7.2024.
Đồng thời, từ ngày 1.7.2024, điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp BHXH hiện hưởng (tháng 6.2024); đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng; điều chỉnh trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%), giữ nguyên tương quan hiện hưởng các mức trợ cấp ưu đãi người có công so với mức chuẩn trợ cấp; điều chỉnh trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%).
Như vậy, việc thực hiện các nội dung thực hiện cải cách chính sách tiền lương lần này chưa đặt ra yêu cầu phải sửa đổi các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội có liên quan đến quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần.
Tuy nhiên, để dự liệu cho tình huống thực hiện cải cách tiền lương đầy đủ sau này thì Luật đã quy định 2 điều, bao gồm một điều quy định “Trường hợp Nhà nước áp dụng chế độ tiền lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế cho hệ thống bảng lương hiện hành, thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh căn cứ đóng BHXH bắt buộc, cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ tính lương hưu, trợ cấp BHXH, điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc và những nội dung cần thiết khác” (Điều 74); và một điều quy định về mức tham chiếu là mức tiền dùng để tính mức đóng, mức hưởng một số chế độ BHXH trong Luật này do Chính phủ quyết định (Điều 7).
Bên cạnh đó, tại điều khoản chuyển tiếp cũng đã quy định “Khi chưa bãi bỏ mức lương cơ sở thì mức tham chiếu quy định tại Luật này bằng mức lương cơ sở. Tại thời điểm mức lương cơ sở bị bãi bỏ thì mức tham chiếu không thấp hơn mức lương cơ sở đó”.
- Điều mà cử tri quan tâm nhất là các quy định, chính sách mới triển khai trong thực tiễn như thế nào, thưa ông?
- Đúng vậy. Vì lẽ đó, để bảo đảm Luật mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền rộng khắp để mọi người dân, người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức liên quan hiểu rõ và thực hiện đầy đủ, chính xác quy định của Luật. Đồng thời, khẩn trương ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức triển khai thực hiện Luật. Chính quyền các địa phương cũng cần vào cuộc tích cực vì Luật lần này có điểm mới là đã bổ sung quy định về vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương trong lĩnh vực BHXH.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát huy vai trò, trách nhiệm là tổ chức đại diện của người lao động trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, vận động, tham gia giám sát, kiến nghị, phản ánh và bảo vệ kịp thời quyền của người lao động trong lĩnh vực BHXH, hạn chế tối đa tình trạng hưởng BHXH một lần của người lao động, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH của người sử dụng lao động.
- Xin cảm ơn ông!