Bảo đảm an toàn du lịch biển mùa mưa bão
Du lịch biển tại Việt Nam đang bước vào mùa cao điểm, thu hút một lượng lớn du khách đến nghỉ mát, thư giãn. Tuy nhiên, ở Việt Nam đây cũng là khoảng thời gian bước vào mùa mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đòi hỏi các địa phương, du khách phải chuẩn bị kỹ càng trước khi khởi hành chuyến đi.
Những nguy hiểm khó lường
Ngày 19/7, một tàu du lịch ở Hạ Long tỉnh Quảng Ninh chở 49 hành khách đi tham quan tuyến 2 (hang Sửng Sốt - đảo Ti Tốp) trên vịnh. Đến 13h30 cùng ngày tàu gặp giông bất ngờ, đến 14h05 thì mất kết nối tín hiệu GPS. Chiếc tàu sau đó được phát hiện lật úp tại khu vực gần Hang Đầu Gỗ. Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, các lực lượng chức năng trục vớt được tàu, trong đó 10 người được cứu sống và số người còn lại đều đã tử vong, mất tích.
Từ tháng 6 kéo dài đến tháng 9 là mùa cao điểm du lịch biển ở Việt Nam. Nhưng từ tháng 6 đến tháng 9 đồng thời cũng trùng với mùa mưa lũ, giông bão. Trong khoảng thời gian này, đã có nhiều tai nạn thương tâm do các yếu tố thiên nhiên, thời tiết mưa bão, giông lũ gây ra như: sóng to đánh chìm tàu, lật tàu; đuối nước; bị dòng chảy mạnh của biển sau bão cuốn ra xa bờ,... Điều này cho thấy các địa phương, hành khách du lịch cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng trước để có chuyến du lịch an toàn, vui vẻ trong những tháng mưa bão.
Du lịch chủ động ứng phó với mùa mưa bão
Trong thời điểm diễn ra cơn bão số 3, mang tên Wipha, cơn bão được đánh giá có sức gió lớn, tốc độ di chuyển nhanh và ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành ở miền Bắc, các tỉnh, địa phương đã có những biện pháp để bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
Nhận định về mùa mưa bão năm 2025, chia sẻ với truyền thông, Tiến sĩ Trương Bá Kiên, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng khí hậu - Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, trong 3 tháng từ tháng 7 đến tháng 9, số lượng xoáy thuận nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông và ảnh hưởng đến Việt Nam sẽ ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Theo đó, có khoảng 6 - 7 cơn hoạt động trên Biển Đông và 3 - 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam.
Để ứng phó với mùa mưa bão năm nay, các tỉnh, địa phương, hệ thống giao thông, những công ty kinh doanh du lịch đã có rất nhiều công tác chuẩn bị, bảo đảm an toàn cho du khách. Đơn cử, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng về hướng dẫn giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực có thể bị mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt ngành đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam đã ban hành Công điện số 03 yêu cầu các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện một số nội dung ứng phó khẩn cấp mùa mưa bão.
Thực hiện nghiêm túc chế độ tuần tra, chốt gác các công trình, vị trí xung yếu, khu vực trọng điểm như: cầu, hầm, đường yếu, dễ bị ngập nước, các công trình đường sắt, bảo đảm thông tin thông suốt, phục vụ an toàn chạy tàu; khu vực hay xảy ra lũ quét, các đoạn đường đèo dốc, đá rơi, đất sụt, các khu vực đường sắt ở phía hạ lưu đê, đập thủy lợi, hồ chứa nước, Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Võ Thanh Hiền cho biết.
Về phía khách du lịch khi tham gia mùa du lịch biển ở Việt Nam cần phải thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết ở các điểm đến. Đặc biệt, khi nhận thấy dấu hiệu thời tiết xấu, du khách có thể chủ động hủy các tour, tuyến đã đặt trước để bảo đảm an toàn cho bản thân. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải tự trang bị kỹ năng sinh tồn như bơi lội, thoát hiểm, thoát nạn...
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/bao-dam-an-toan-du-lich-bien-mua-mua-bao.html