Bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em - cha mẹ cần gương mẫu

Bước vào năm học 2024-2025, dù lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với ngành giáo dục tổ chức nhiều buổi tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) đến học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng phụ huynh đưa đón con tới trường vi phạm pháp luật về ATGT vẫn diễn ra khá phổ biến. Việc này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông, mà còn là hình ảnh xấu ảnh hưởng đến việc chấp hành các quy định về ATGT ở con trẻ.

Học sinh Trường THCS Quảng Lộc (Quảng Xương) cùng phụ huynh ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Học sinh Trường THCS Quảng Lộc (Quảng Xương) cùng phụ huynh ký cam kết chấp hành các quy định về an toàn giao thông đường bộ.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 694 vụ tai nạn giao thông, làm chết 291 người, bị thương 597 người. Trong đó, có 113 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm chết 48 người, bị thương 144 người (21 học sinh chết, 103 học sinh bị thương). Bên cạnh đó, lực lượng CSGT, cảnh sát trật tự, cảnh sát cơ động đã lập biên bản xử lý 88.425 trường hợp; trong đó, xử phạt học sinh vi phạm 5.248 trường hợp với số tiền 3,8 tỷ đồng.

Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, tháng 10/2024, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã đồng loạt ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự ATGT cho lứa tuổi học sinh. Trong 10 ngày đầu ra quân thực hiện cao điểm, lực lượng CSGT đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính 1.282 trường hợp, phạt tiền 899 triệu đồng, tạm giữ 491 xe mô tô, 232 phương tiện loại khác. Trong đó, có 582 trường hợp điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định; 608 trường hợp không đội mũ bảo hiểm; 39 trường hợp không có giấy phép lái xe; 4 trường hợp vi phạm nồng độ cồn... Đặc biệt, có 436 trường hợp phụ huynh bị xử phạt vì giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển.

Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 694 vụ tai nạn giao thông, làm chết 291 người, bị thương 597 người. Trong đó, có 113 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, làm chết 48 người, bị thương 144 người (21 học sinh chết, 103 học sinh bị thương).

Cùng với việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự ATGT, lực lượng CSGT còn phối hợp với ngành giáo dục tỉnh tổ chức 105 buổi tuyên truyền, với tổng số hơn 70.000 giáo viên, học sinh, phụ huynh các nhà trường tham gia ký cam kết. Riêng bản cam kết thực hiện nghiêm pháp luật về trật tự ATGT của học sinh yêu cầu phải có chữ ký của bố mẹ và giáo viên chủ nhiệm. Ngoài ra, lực lượng CSGT còn kiện toàn, ra mắt hoạt động 24 mô hình “Trường học ATGT”, 2 mô hình “Cổng trường ATGT” và tặng hàng nghìn mũ bảo hiểm cho các em học sinh.

Tuy nhiên, việc đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe gắn máy và ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của nhiều bậc phụ huynh vẫn chưa thực sự nghiêm túc. Quan sát tại các trường tiểu học, THCS vào giờ học sinh đến và tan trường sẽ không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh nhiều bậc phụ huynh lẫn học sinh không đội mũ bảo hiểm. Rồi hình ảnh phụ huynh chở trẻ em quá số lượng quy định; vừa lái xe vừa nghe điện thoại; cố tình len lách để vượt lên, thậm chí vượt đèn đỏ... Nhưng nếu bị các lực lượng chức năng kiểm tra, xử phạt hoặc nhắc nhở, đa phần phụ huynh đều đưa ra rất nhiều lý do như: Sợ muộn giờ học của con, vừa bị mất mũ bảo hiểm, chỉ đi một đoạn ngắn từ nhà đến trường, hàng xóm nhờ đón hộ, để biện bạch cho hành vi vi phạm của mình, thậm chí xui con nói dối để tránh bị phạt. Nhiều phụ huynh học sinh bậc THCS, THPT biết con chưa được phép điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện nhưng vẫn mua xe để các em điều khiển đến trường. Con không đội mũ bảo hiểm cũng không lên tiếng nhắc nhở. Đến khi con bị phát hiện, xử lý vi phạm thì tỏ thái độ không đồng tình, bất hợp tác với lực lượng chức năng. Những hành động, việc làm trên của phụ huynh càng khiến trẻ em có cái nhìn méo mó, ngược lại những vấn đề mà các em được giáo dục trong nhà trường hay trên các phương tiện truyền thông. Từ đó, dẫn đến xem nhẹ việc cần phải bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông.

Để giúp con trẻ nhận thức, hình thành thói quen chấp hành quy định về ATGT, chính bố mẹ phải là người gương mẫu chấp hành và hướng dẫn con các kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông. Cương quyết không dung túng khi con trẻ có những hành vi vi phạm quy định về ATGT. Có như vậy, những bài học về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông mà con trẻ được học ở nhà trường mới thực sự phát huy hiệu quả.

Để giúp con trẻ nhận thức, hình thành thói quen chấp hành quy định về ATGT, chính bố mẹ phải là người gương mẫu chấp hành và hướng dẫn con các kỹ năng cần thiết khi tham gia giao thông. Cương quyết không dung túng khi con trẻ có những hành vi vi phạm quy định về ATGT. Có như vậy, những bài học về ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông mà con trẻ được học ở nhà trường mới thực sự phát huy hiệu quả. Bởi các con được học và nhìn từ chính tấm gương của bố mẹ sẽ tránh được những hậu quả tai nạn giao thông đau lòng, đáng tiếc xảy ra ở lứa tuổi học sinh.

Bài và ảnh: Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/bao-dam-an-toan-giao-thong-cho-tre-em-nbsp-cha-me-can-guong-mau-228504.htm