Bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão
Hiện nay, đang bước vào mùa mưa bão, thời tiết diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Các lực lượng chức năng toàn tỉnh đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân và các chủ phương tiện đường thủy đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Tránh “mất bò mới lo làm chuồng”
Sự việc đau lòng vừa xảy ra tại tỉnh Quảng Ninh khi tàu du lịch bị lật trên vịnh Hạ Long do giông lốc, vụ lật tàu khiến 49 người gặp nạn trên vịnh Hạ Long, đến ngày 21-7, đã có 36 người thiệt mạng, 3 nạn nhân mất tích. là “hồi chuông” cảnh báo về sự an toàn khi tham gia giao thông cho các chủ phương tiện đường thủy trên địa bàn tỉnh kinh doanh dịch vụ du lịch tham quan bằng thuyền trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, sông Nho Quế và chở khách qua sông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho chủ phương tiện ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có gần 100 bến thủy nội địa và bến khách ngang sông, với gần 1.000 phương tiện đã đăng ký. Trong đó, có trên 300 phương tiện vận tải hành khách, trên 600 phương tiện vận tải hàng hóa và các loại phương tiện khác.
Sở Xây dựng đã phối hợp với Ban An toàn giao thông tỉnh, UBND các xã tăng cường công tác quản lý đối với các phương tiện giao thông đường thủy, bến thủy nội địa; chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở các chủ bến đò, phương tiện trang bị đầy đủ thiết bị cứu hộ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng phương án, kế hoạch huy động các phương tiện, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả mưa bão khi có yêu cầu.
Xã Nà Hang hiện có trên 80 tàu thuyền làm dịch vụ du lịch chở khách tham quan trên hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, trên 300 thuyền khai thác, nuôi trồng thủy sản của người dân.
Là người nhiều năm gắn bó với nghề vận chuyển hành khách tuyến Bến thủy xã Nà Hang đi bến Bản Lãm, xã Yên Hoa, anh Bàn Văn Thành, xã Hồng Thái hiểu rõ những nguy hiểm có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với bản thân và hành khách khi di chuyển bằng đường thủy trên hồ sinh thái Na Hang. Vì vậy, để đảm bảo an toàn vận chuyển hành khách, anh luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Còn đối với sông Nho Quế nơi có hẻm Tu Sản được xem là “đệ nhất hùng quan” luôn thu hút khách du lịch khi đến với Cao nguyên đá. Nắm bắt được nhu cầu tham quan bằng thuyền du lịch trên sông Nho Quế, nhiều cá nhân, HTX đã đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch trải nghiệm.
Hiện nay, toàn tuyến có gần 100 phương tiện thủy nội địa đang hoạt động. Với địa hình hiểm trở cùng dòng chảy phức tạp vào mùa mưa lũ, đây cũng là tuyến đường thủy tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông cùng lực lượng Công an xã Mèo Vạc đã tăng cường phối hợp tuyên truyền, phổ biến đến người dân, du khách cùng các chủ phương tiện về các hành vi bị nghiêm cấm, quy định về bến thủy nội địa, các điều kiện đảm bảo an toàn, kỹ năng cứu hộ, cứu nạn và phòng, chống đuối nước...
Kiên quyết xử lý vi phạm
Thiếu tá Phạm Văn Tuấn, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, công tác kiểm soát phương tiện và các loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch bằng đường thủy được Phòng thực hiện nghiêm theo kế hoạch được giao. Các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa như: Không có đăng ký, đăng kiểm, thiếu trang thiết bị áo phao, phao cứu sinh... đều bị nhắc nhở hoặc kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn chủ tàu, lái tàu, thuyền và người dân về các quy định an toàn, tầm quan trọng của việc trang bị đầy đủ phao cứu sinh, áo phao, các thiết bị cứu hộ cần thiết khác. Đặc biệt, các kỹ năng tham gia giao thông đường thủy an toàn trong điều kiện thời tiết xấu, xử lý tình huống khẩn cấp, cứu nạn cũng được lực lượng cảnh sát giao thông truyền đạt trực quan, dễ hiểu. Nhờ chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nên thời gian qua trên địa bàn tỉnh không xảy ra tai nạn giao thông hoặc các vấn đề nóng về an ninh trật tự trên các tuyến đường thủy.
Những nỗ lực của cơ quan chức năng đang từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, trang bị kỹ năng an toàn cho người dân khi tham gia giao thông đường thủy. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tuyệt đối, sự chung tay, nâng cao ý thức tự giác của mỗi người dân là yếu tố then chốt, góp phần xây dựng môi trường giao thông đường thủy an toàn, văn minh, đặc biệt trong mùa mưa lũ.