Bảo đảm an toàn hàng hóa dự trữ do mưa lũ tại miền Trung
Từ ngày 13 đến 17/11/2023, dải đất miền Trung phải hứng chịu những trận mưa lớn kéo dài, khiến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ngập lụt. Trước tình hình đó, Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Bình Trị Thiên đã chủ động triển khai công tác phòng chống bão lụt, đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người, tài sản, kho tàng, vật tư hàng hóa dự trữ quốc gia, sẵn sàng xuất cấp trong mọi tình huống.
Chủ động, sẵn sàng ứng phó với mưa lũ
Đề cập tới công tác phòng, chống mưa bão năm 2023, ông Nguyễn Văn Diện - Phó Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Bình Trị Thiên cho biết, với phương châm phòng ngừa là chính, để có phương án bảo đảm an toàn cho người, tài sản, hàng hóa, kho tàng dự trữ quốc gia (DTQG), ngay từ đầu năm, đơn vị đã kiện toàn, củng cố Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão, phòng chống thiên tai, bổ sung lực lượng xung kích tại chỗ từ cấp cục đến các đơn vị trực thuộc; xây dựng phương án phòng, chống bão lụt theo phương châm “Bốn tại chỗ”; xây dựng kịch bản, phương án phòng, chống mưa bão; mua sắm dụng cụ, chuẩn bị phương tiện được đảm bảo đầy đủ, đáp ứng cơ bản trong công tác phòng chống bão lũ.
“Chúng tôi cũng thường xuyên theo dõi thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia để chủ động có phương án, biện pháp phòng ngừa, ứng phó. Việc bảo đảm an toàn cho tài sản, hàng DTQG là một trong những nhiệm vụ được đơn vị đặc biệt chú trọng, quan tâm” - Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Diện cho biết.
ĐẢM BẢO AN TOÀN HÀNG HÓA, KHO TÀNG
Qua báo cáo của Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực Bình Trị Thiên, sau khi mưa ngớt, nước rút dần khỏi khu vực kho dự trữ quốc gia, các chi cục DTNN trực thuộc Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên đã chủ động rà soát, kiểm tra số lượng, chất lượng hàng dự trữ quốc gia. Kết quả cho thấy, hàng hóa, kho tàng tại các đơn vị đảm bảo an toàn.
Theo ông Diện, trong những ngày qua, miền Trung đã có mưa to đến rất to kéo dài, khiến nhiều nơi ngập nặng. Trong 2 ngày 14 và 15/11, mưa xối xả khiến nước đổ về hạ nguồn với lưu lượng lớn. Mưa lớn khiến nước các sông ở Huế đều lên mức báo động 3 và hơn, như: Sông Hương đạt 4,24m cao hơn mức báo động 3: 0,74m; nước sông Bồ lên 3,65m (trên mức báo động 2: 0,65m), nước sông Truồi lên mức 3m...
Thông tin về ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ với các đơn vị thuộc Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, ông Phan Trọng Cường - Chi cục phó Chi cục DTNN Thừa Thiên - Huế cho biết, bên cạnh trụ sở chính, đơn vị có 3 điểm kho DTQG (Hương Trà, Hương Thủy, Thủy Phương), bảo quản các mặt hàng gạo, thiết bị, vật tư DTQG. Trong mấy ngày mưa gần đây, tại trụ sở Chi cục DTNN Thừa Thiên - Huế, nước dâng ngập văn phòng làm việc của cán bộ, công chức 0,25m. Tại điểm kho Hương Trà, Hương Thủy, mưa lớn khiến nước dâng tràn vào sân đường nội bộ và cổng vào điểm kho…
Đề cập tới công tác phòng, chống, khắc phục trước và sau mưa lũ, ông Nguyễn Văn Diện cho biết, trước khi có thông tin mưa lũ, lãnh đạo cục đã triển khai công tác phòng chống bão quyết liệt, Ban chỉ huy Phòng chống bão lũ căn cứ tình hình thực tế và đặc điểm của từng điểm kho, trực tiếp triển khai và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đồng chí, túc trực tại các địa điểm trọng yếu và các điểm kho có nguy cơ cao để sẵn sàng ứng.
Các thành viên đội xung kích và tiểu ban phải trực thường xuyên 24/24 giờ hàng ngày trong thời gian xảy ra lụt bão, thường xuyên kiểm tra chặt chẽ từng ngăn kho, mái kho, máng nước và xung quanh kho. Những phần nào chưa đảm bảo an toàn phải triển khai sửa chữa, giằng chống và làm vệ sinh sạch sẽ hệ thống thoát nước trước khi mưa bão đến. Lãnh đạo trực tiếp đặt vấn đề với chính quyền địa phương tại vùng kho đơn vị quản lý để khi lụt bão xảy ra có sự hỗ trợ kịp thời.
Hàng hóa được đảm bảo an toàn
Theo Phó cục trưởng Phan Trọng Cường, ngày 17/11, không còn những đợt mưa xối xả, nước cũng đã rút dần khỏi các điểm kho Hương Trà, Hương Thủy. Các cán bộ, thủ kho, người lao động của chi cục tích cực triển khai phương án khắc phục hậu quả sau lũ, khẩn trương khơi thông các điểm bị ngập, triển khai sửa chữa, thay thế những chỗ hư hỏng; mở cửa thông gió và dùng các biện pháp thích hợp khắc phục sự cố, không để hàng hóa bị hư hại. Bên cạnh đó, đơn vị cũng thuê nhân công cưa cắt, kéo dựng lại các cây bị bật gốc, gãy đổ, thu dọn vệ sinh, khắc phục để hoạt động cơ quan trở lại bình thường.
Qua báo cáo của Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên, sau khi mưa ngớt, nước rút dần khỏi kho DTQG, các chi cục DTNN trực thuộc Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên đã chủ động rà soát, kiểm tra số lượng, chất lượng hàng DTQG. Kết quả cho thấy, hàng hóa, kho tàng tại các đơn vị đảm bảo an toàn. Các chi cục DTNN trực thuộc chủ động rà soát, kiểm tra số lượng, chất lượng hàng DTQG để sẵn sàng xuất cấp hàng khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Chia sẻ về công tác phòng chống đợt mưa lũ vừa qua, đại diện lãnh đạo Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên bày tỏ, cán bộ công chức Chi cục DTNN Thừa Thiên - Huế nói riêng, Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên nói chung hài lòng với những kết quả đạt được trong đợt chống lũ vừa qua. Thành tích này đã góp phần giữ gìn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do lũ dữ gây ra đối với nguồn lực DTQG, cũng là bài học kinh nghiệm quý báu trong công tác phòng, chống bão lũ hiệu quả. Vượt qua bao nỗi khó khăn bởi mưa lũ, cán bộ công chức Cục DTNN khu vực Bình Trị Thiên tiếp tục sẵn sàng xuất cấp nguồn lực DTQG khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, đảm bảo về số lượng và chất lượng./.