Bảo đảm an toàn thực phẩm, vì sức khỏe nhân dân
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát và kịp thời ngăn chặn, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi mua bán, vận chuyển trâu bò, sản phẩm từ trâu, bò không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch đã và đang được lực lượng chức năng của tỉnh triển khai khá quyết liệt, góp phần đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người dân, cũng như hạn chế việc lây lan các dịch bệnh trên gia súc.
Hồi cuối tháng 1, tại bản Hồng Nam, xã Chiềng Khoong (Sông Mã), Đoàn kiểm tra Đội Quản lý thị trường số 6 đã phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, kinh tế (Công an huyện Sông Mã) và Đoàn liên ngành của UBND huyện đã kiểm tra xe ô tô mang biển kiểm soát 29H-461.13 do ông Nguyễn Xuân Sự, trú tại xã Phú Châu, huyện Ba Vì (Hà Nội) là đại diện. Qua kiểm tra, phát hiện trên xe đang vận chuyển 676 kg nội tạng động vật, 530 kg da bò, 78 kg đầu bò... chứa trong các thùng xốp đã biến đổi màu sắc và bốc mùi hôi thối, lái xe không xuất trình được giấy tờ liên quan đến hàng hóa này. Ông Nguyễn Xuân Sự khai số hàng trên mua gom từ các cơ sở dưới xuôi và dự kiến giao cho một số nhà hàng, quán ăn tại địa bàn huyện Sông Mã và huyện Sốp Cộp. Đội Quản lý thị trường số 6 đã quyết định xử phạt 5,5 triệu đồng về hành vi vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 1.284 kg sản phẩm động vật.
Tháng 4/2021, Đội Quản lý thị trường số 3 đã chủ trì phối hợp với Trạm kiểm dịch Lóng Luông và Công an huyện Vân Hồ tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 89B-014.72 do ông Nguyễn Quốc Toàn là lái xe kiêm chủ hàng, trú tại xã Mường Hung (Sông Mã). Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn đã phát hiện trên xe có vận chuyển 5 thùng xốp chứa 445 kg nội tạng, da trâu, bò đã bị biến đổi màu sắc, bốc mùi hôi thối và đang trong quá trình phân hủy. Chủ hàng không xuất trình được giấy tờ chứng minh được tính hợp pháp liên quan đến số sản phẩm động vật trên. Đội Quản lý thị trường số 3 đã xử phạt 5,5 triệu đồng, buộc tiêu hủy 445 kg sản phẩm động vật theo quy định.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, các sản phẩm từ trâu bò không rõ nguồn gốc khi vận chuyển về thường thiu, thối do đã giết mổ quá lâu, nội tạng rất dễ nhiễm bẩn, nên có thể là một ổ vi khuẩn gây bệnh tả, kiết lị, thương hàn, bệnh lao, bệnh than, bệnh viêm gan... Đồng thời, chúng cũng có thể nhiễm nhiều loại ký sinh trùng như sán dây, sán chó, giun xoắn..., là nguồn lây lan dịch bệnh cho đàn gia súc, đặc biệt là bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các ngành thành viên, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tăng cường nắm tình hình; phối hợp triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò từ nước ngoài và từ các địa phương khác trong cả nước vào địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Viết Thông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý 15 vụ buôn lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm có nguồn gốc từ động vật, sản phẩm từ trâu, bò với tổng tiền phạt hành chính 67 triệu đồng; tổng trọng lượng hàng hóa vi phạm gần 1,8 tấn, chủ yếu là nội tạng động vật, da trâu, bò.
Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển sản phẩm từ trâu, bò nhập lậu, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch từ nước ngoài và các địa phương trong nước vào địa bàn tỉnh đang đặt ra yêu cầu công tác kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng phải thường xuyên liên tục; đồng thời cần có sự phối hợp, chia sẻ thông tin của người dân để từng bước ngăn chặn đẩy lùi các hành vi vi phạm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng; ngăn ngừa phòng, chống dịch gia súc xâm nhập vào địa bàn.