Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho công nhân
Ngày 18-9-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mục đích nhằm khắc phục tình trạng người sử dụng lao động thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật về ATVSLĐ; tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người lao động…
Tích cực đưa chủ trương vào cuộc sống
Khi Chỉ thị số 29-CT/TW được triển khai trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam. Công đoàn tỉnh Bình Phước tham mưu Tỉnh ủy ban hành chương trình hành động; phối hợp UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện; chủ trì triển khai 1 đề tài khoa học cấp Tổng LĐLĐ, 1 đề án, 2 chương trình, 15 kế hoạch và nhiều văn bản hướng dẫn tuyên truyền. Các cấp công đoàn phối hợp chính quyền, người sử dụng lao động tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, thành lập, kiện toàn đội ngũ cán bộ phụ trách; tổ chức hoạt động, phong trào thi đua; kiểm tra, giám sát; sơ, tổng kết đánh giá và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với từng giai đoạn và hằng năm. Qua đó, nhận thức về ATVSLĐ của các cấp công đoàn và lực lượng làm công tác này, người sử dụng lao động và người lao động ngày càng được nâng cao; nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, sáng tạo được tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền thực hiện. Công tác lãnh đạo, quản lý được tăng cường; pháp luật về ATVSLĐ được thực hiện, góp phần tích cực vào phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe, tính mạng người lao động.
Phần thi xử lý tình huống của đơn vị Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tại hội thi an toàn vệ sinh viên tỉnh năm 2022
Hiện nay, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng nội quy, quy trình đảm bảo ATVSLĐ, quy trình vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Các doanh nghiệp lớn, hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã áp dụng các tiêu chuẩn quản lý quốc tế vào quản lý ATVSLĐ (ISO 14000, SA 8000, OHSAS 18001…); chấp hành quy định về chế độ bảo hộ lao động, trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động, phòng chống cháy nổ, chăm sóc sức khỏe người lao động, môi trường làm việc. Bên cạnh đó, thực hiện chính sách ATVSLĐ đối với lao động đặc thù, lao động nữ, lao động cao tuổi, khuyết tật, lao động trẻ em; chính sách bồi thường, trợ cấp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Giải pháp thiết thực, hiệu quả
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức trong thực hiện công tác ATVSLĐ, trong đó tập trung vào Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ, phòng, chống cháy nổ, Tháng hành động về ATVSLĐ, Tháng công nhân, Tháng hành động vì môi trường, Ngày môi trường thế giới… LĐLĐ tỉnh tổ chức các hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi, thi tìm hiểu pháp luật về ATVSLĐ, góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp hoạt động trong công tác ATVSLĐ và an toàn vệ sinh viên; phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức 44 lớp huấn luyện về ATVSLĐ với hơn 6.600 lượt cán bộ công đoàn, người làm công tác quản lý, phụ trách công tác ATVSLĐ tham gia; 2 lớp tập huấn về chế độ, chính sách với 488 cán bộ công đoàn, người làm công tác ATVSLĐ, bảo hiểm xã hội tham gia; thí điểm mô hình “Góc bảo hộ lao động” tại Công ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam), Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, huyện Đồng Phú. Mạng lưới an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp được duy trì và củng cố, hoạt động theo quy chế, hiện có 883 thành viên của 342 doanh nghiệp.
Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Y&J International (Khu công nghiệp Minh Hưng - Hàn Quốc, TX. Chơn Thành) tổ chức tập huấn nghiệp vụ và diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ
Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2013 đến tháng 6-2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 553 vụ tai nạn lao động, làm chết 50 người, bị thương 503 người. Giai đoạn 2013-2018, có 42 người mắc bệnh nghề nghiệp, lũy kế đến tháng 6-2023 có 56 người mắc bệnh nghề nghiệp. Đa số các vụ tai nạn lao động do bệnh lý đột quỵ và tai nạn giao thông; các vụ tai nạn lao động do mất an toàn kỹ thuật trong sản xuất chủ yếu ở doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn.
Các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Xanh - sạch - đẹp, đảm bảo ATVSLĐ” gắn với phong trào thi đua cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học - kỹ thuật được triển khai rộng khắp, phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, làm lợi cho doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức; cải thiện đáng kể điều kiện làm việc cho người lao động. Qua đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tặng 14 bằng lao động sáng tạo; UBND tỉnh tặng bằng khen cho 22 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động, 375 bằng khen lao động giỏi, lao động sáng tạo; LĐLĐ tỉnh tặng 2 cờ và 65 bằng khen về ATVSLĐ cho công đoàn cơ sở phối hợp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ.
Công đoàn cơ sởCông ty TNHH New Apparel Far Eastern (Việt Nam) tổ chức hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động
10 năm thực hiện công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế theo Chỉ thị số 29-CT/TW cho thấy, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tranh thủ được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, sự phối hợp của các cấp chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp, công tác ATVSLĐ trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và dần đi vào chiều sâu. Nhận thức về công tác ATVSLĐ của tổ chức, cá nhân được nâng cao, các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ được triển khai thực hiện; nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giảm, chế độ, chính sách liên quan được đảm bảo.