Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn bán trú - Trách nhiệm thuộc về ai?

Để hạn chế nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn bán trú, nhà trường không thể 'khoán trắng' trách nhiệm cho đơn vị cung cấp suất ăn.

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của các em học sinh và gây tâm lý bất an cho gia đình, xã hội.

Theo TS – BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, bếp ăn bán trú tại các trường học – với số lượng suất ăn lớn - có nguy cơ rất cao xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bởi ở trẻ em, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên rất nhạy cảm với thực phẩm không an toàn, do đó, trẻ rất dễ bị ngộ độc thực phẩm.

Bên cạnh đó, mặc dù Luật An toàn thực phẩm cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn đã đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ về quy trình đảm bảo an toàn tại bếp ăn tập thể song vẫn còn một số trường học chưa thực sự quan tâm đến số lượng, chất lượng bữa ăn cho học sinh cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Chất lượng và an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú luôn là nỗi lo của phụ huynh

Chất lượng và an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú luôn là nỗi lo của phụ huynh

"Việc đảm bảo an toàn thực phẩm bữa ăn bán trú là cả một quy trình. Đầu tiên là nguồn nguyên liệu thế nào? Ví dụ như một nguồn nguyên liệu bị nhiễm độc, có thành phần kim loại nặng hoặc là có những thành phần độc hại thì có thể sẽ gây ra ngộ độc thực phẩm. Nếu nguồn nguyên liệu đảm bảo rồi nhưng nếu quá trình chế biến không tốt thì đương nhiên sẽ có những vấn đề về mất an toàn. Ví dụ như người chế biến thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng, bàn tay không sạch thì có thể lây nhiễm vi khuẩn vào món ăn. Sau khi nấu chín, nếu sử dụng những dụng cụ chứa đựng không hợp vệ sinh, dùng thớt thái thực phẩm sống – chín lẫn lộn thì vi khuẩn cũng nhiễm vào thức ăn đã chín và nhân lên rất nhanh. Rồi việc bảo quản, vận chuyển các suất ăn thế nào, với nhiệt độ bao nhiêu thì cũng cần phải tuân thủ theo quy định. Như vậy, trong suốt một chu trình đó, nếu chúng ta chỉ cần lơ đễnh hoặc là không tuân thủ chặt chẽ là sẽ xảy ra ngộ độc thực phẩm.” – TS - BS Trương Hồng Sơn phân tích.

Ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn bán trú thường xảy ra với quy mô lớn, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của các em học sinh và tâm lý bất an cho phụ huynh, gia đình và xã hội. Do đó, để ngăn ngừa và kiểm soát các nguy cơ, TS – BS Trương Hồng Sơn cho rằng, vai trò của kiểm tra, giám sát của nhà trường rất quan trọng. Nếu nhà trường tổ chức nấu ăn cho học sinh thì phải thực hiện theo đúng các quy chuẩn về bếp ăn an toàn. Trong trường hợp nhà trường ký kết với những đơn vị bên ngoài để cung cấp suất ăn học sinh thì việc đầu tiên là phải chọn những đơn vị có đầy đủ giấy tờ pháp lý về an toàn vệ sinh thực phẩm. Thứ hai là nhà trường phải lập tổ giám sát, phải đến tận cơ sở đã ký kết để kiểm tra các vấn đề như: nguồn gốc, giấy tờ nhập thực phẩm, số lượng, chất lượng của thực phẩm. Tiếp theo nữa, cần kiểm tra trong quá trình chế biến nấu nướng, cơ sở có đảm bảo các điều kiện về vệ sinh, nước sạch hay không? Khi chế biến xong rồi thì phải lưu mẫu thực phẩm và cũng phải đánh giá bằng cảm quan về chất lượng, mùi vị thức ăn.

"Nhà trường cũng không thể khoán trắng chất lượng bữa ăn của học sinh cho đơn vị cung cấp suất ăn. Đôi khi chúng ta vẫn còn chủ quan, chúng ta cứ nghĩ ký hợp đồng là hết trách nhiệm. Nhưng không phải như vậy, nhà trường phải chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối tất cả các vấn đề, từ ký kết hợp đồng đến giám sát chất lượng bữa ăn của học sinh. Khi thấy cơ sở nào không đạt được tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo đúng quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chúng ta không ký hợp đồng hoặc kiên quyết yêu cầu phải đáp ứng đủ các điều kiện mới tiếp tục ký kết” – TS - BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.

Hội cha mẹ học sinh cũng có thể đồng hành, tham gia kiểm tra, giám sát bữa ăn hàng ngày của con em mình để đảm bảo số lượng và chất lượng bữa ăn cũng như an toàn thực phẩm.

“Tôi còn nhớ, trước đây, khi chúng tôi thực hiện một nghiên cứu về xây dựng thực đơn trong trường học, tôi thấy, một số trường, mỗi ngày, hội cha mẹ học sinh cử 1- 2 người đại diện đến để kiểm tra, xem là số lượng thực phẩm có đủ hay không, đánh giá bằng cảm quan về chất lượng thực phẩm. Tuy bằng mắt thường không thể biết được thực phẩm đó có bị nhiễm vi khuẩn hay các hóa chất độc hại hay không nhưng chí ít cũng biết được thực phẩm có tươi mới hay không? Hoặc đến bữa ăn, phụ huynh cũng cử người đến ăn cùng các con để xem đấy thức ăn nấu ra sao, có mùi vị như thế nào? Tôi thấy những hành động trách nhiệm như vậy có thể bảo vệ con em của chúng ta rất nhiều ” TS – BS Trương Hồng Sơn chia sẻ kinh nghiệm.

Ánh Tuyết/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/bao-dam-an-toan-ve-sinh-thuc-pham-bua-an-ban-tru-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post1126087.vov