Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ Tết và lễ hội Xuân
Dịp 'Tết đến Xuân về', thị trường thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân lại 'muôn hoa đua nở', rất phong phú, đa dạng từ khắp nơi đưa về. Bên cạnh sự tiện lợi, người tiêu dùng không khỏi lo lắng bởi tình trạng hàng giả; thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng... trà trộn trên thị trường, đe dọa sức khỏe người dân.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2024, Hà Nội đã thanh, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm trên toàn thành phố; đặc biệt tăng cường kiểm tra đột xuất, bất kỳ. Sau 1,5 tháng ra quân (từ ngày 15/12/2023 đến nay), các đoàn đã kiểm tra được 5.725 cơ sở, qua đó phát hiện 899 cơ sở vi phạm, xử phạt 843 cơ sở với tổng số tiền hơn 4,75 tỷ đồng; nhắc nhở và cảnh cáo 56 cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà giao nhiệm vụ cụ thể cho 3 sở, ngành: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra nguồn gốc thực phẩm, phát hiện kịp thời thực phẩm không bảo đảm chất lượng để cảnh báo người tiêu dùng.
Phó Chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo, các sở, ngành chức năng, địa phương cần tập trung cao độ, hành động quyết liệt trước, trong và sau Tết nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ người dân. Các ngành, địa phương cần xác định rõ địa bàn trọng điểm, tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm, chủ động thanh, kiểm tra theo thẩm quyền. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng cần công khai thông tin, nguyên nhân, kết quả xử lý để người dân nắm rõ, chủ động không sử dụng sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Tại huyện Mỹ Đức, nơi sẽ diễn ra lễ hội Chùa Hương thu hút hàng triệu lượt du khách, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm được địa phương và các ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Trưởng phòng Y tế huyện Mỹ Đức Trần Ngọc Tráng cho rằng, nhận thức của người tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố ở Mỹ Đức vẫn còn một số hạn chế. Đó là việc mang, mặc trang phục bảo hộ lao động không đầy đủ, sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm cập nhật không thường xuyên, thiếu giá kệ để kê, chứa đựng thực phẩm. Đội ngũ làm công tác an toàn vệ sinh thực phẩm còn thiếu và cơ bản là thực hiện nhiệm vụ theo hình thức kiêm nhiệm. Đợt cao điểm phục vụ Tết Nguyên đán 2024, huyện Mỹ Đức tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó tập trung vào các cơ sở cung cấp mặt hàng thực phẩm phục vụ Tết; bảo đảm an toàn thực phẩm tại lễ hội, đặc biệt là lễ hội Chùa Hương.
Theo đó, UBND các xã, thị trấn, Ban quản lý Di tích thắng cảnh Hương Sơn tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nghiêm chỉnh chấp hành quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức. Sau 1,5 tháng ra quân kiểm tra an toàn thực phẩm Tết, toàn huyện Mỹ Đức đã kiểm tra được 340 cơ sở, qua đó phát hiện, xử lý 18 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tại huyện Thanh Oai hiện có 1.923 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và 336 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán và lễ hội xuân 2024, huyện Thanh Oai thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành, đến nay đã kiểm tra 116 cơ sở, phát hiện 13 cơ sở vi phạm (11,2%), phạt tiền 2 cơ sở 14 triệu đồng; yêu cầu các cơ sở khắc phục tồn tại và ký cam kết không tái phạm.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội, dịp Tết năm nay, toàn thành phố đã thành lập 671 đoàn kiểm tra, trong đó, tuyến thành phố có 14 đoàn (gồm 4 đoàn liên ngành và 10 đoàn của các sở, ngành); 78 đoàn tuyến quận, huyện, thị xã và 579 đoàn tuyến xã, phường, thị trấn. Các đoàn tập trung kiểm tra việc chỉ đạo điều hành, triển khai đảm bảo an toàn thực phẩm của cấp quận, huyện và xã, phường, chú trọng kiểm tra những nhóm sản phẩm, thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, làng nghề chế biến thực phẩm. Thông qua đó, cơ quan chức năng tiếp tục đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng đi vào nền nếp, thực hiện đúng quy định về an toàn thực phẩm; biểu dương nơi thực hiện tốt; phát hiện kịp thời nơi sai phạm để xử lý theo quy định, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ngành y tế cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn thực phẩm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với người quản lý, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng cần thận trọng lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ; không nên mua, tích trữ quá nhiều. Việc chế biến, bảo quản thực phẩm cần làm đúng cách, phòng, chống ngộ độc thực phẩm, đảm bảo sức khỏe...