Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tại các lễ hội
Tháng Giêng hàng năm, tại hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều diễn ra lễ hội. Đây là dịp để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đẩy mạnh hoạt động. Phóng viên Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế về nội dung này.
![Các loại xúc xích, nem chua rán... được bày bán ngay sát lối đi lại trong không gian Tết Ất Tỵ 2025 của TP. Thái Nguyên.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_09_458_51431433/89506f45550bbc55e51a.jpg)
Các loại xúc xích, nem chua rán... được bày bán ngay sát lối đi lại trong không gian Tết Ất Tỵ 2025 của TP. Thái Nguyên.
PV: Kinh doanh dịch vụ ăn uống tại lễ hội tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSANTP). Ông có thể cho biết một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?
Ông Đặng Ngọc Huy: Trong các lễ hội, hầu hết những dịch vụ ăn uống thường mang tính thời vụ, kinh doanh tự phát nên kiến thức, kỹ năng về VSATTP của người bán hàng có thể chưa đầy đủ. Bên cạnh đó, các quầy hàng phần lớn đều được dựng tạm trên những khoảng đất hẹp hoặc bày bán trực tiếp ngoài trời, nơi có đông người đi lại khiến thực phẩm dễ bị bám bụi bẩn và mất vệ sinh.
Do mang tính chất thời vụ nên nhiều chủng loại thực phẩm được sản xuất chế biến từ các cơ sở, cá nhân, hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh, dẫn đến chất lượng ATTP khó được đảm bảo. Ngoài ra, còn có những nguyên nhân khác như: trang thiết bị để bảo quản nguyên liệu, chế biến thực phẩm không đầy đủ; dụng cụ đựng thức ăn không được vệ sinh sạch sẽ; thời tiết có mưa phùn, ẩm ướt dễ khiến cho thực phẩm bị nấm, mốc, nhiễm các mầm bệnh nếu không được bảo quản cẩn thận...
PV: Khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo, người dùng có thể đối diện với những nguy cơ về sức khỏe như thế nào, thưa ông?
Ông Đặng Ngọc Huy: Nếu sử dụng phải thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, người dùng có thể bị ngộ độc thực phẩm cấp tính hoặc bị ngộ độc thực phẩm mạn tính. Trong đó, ngộ độc thực phẩm cấp tính thường xảy ra đột ngột, ngay sau khi người dùng sử dụng thực phẩm chứa tác nhân gây độc. Các triệu chứng thông thường của ngộ độc cấp tính là đau bụng, nôn, tiêu chảy, tê liệt thần kinh, rối loạn hô hấp, rối loạn tuần hoàn, rối loạn vận động…
Tình trạng này đòi hỏi sự can thiệp y tế ngay lập tức và có thể bị nguy hiểm tới tính mạng. Còn ngộ độc thực phẩm mạn tính là trường hợp người dùng sử dụng thực phẩm không an toàn trong một thời gian dài, dẫn đến các chất độc bị tích tụ trong cơ thể. Từ đó gây ra hội chứng rối loạn cấu trúc, chức năng của tế bào, tổ chức và gây ảnh hưởng đến các hệ cơ quan trong cơ thể.
PV: Xin ông cho biết để đảm bảo VSATTP tại các lễ hội, ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố đã thực hiện những giải pháp nào?
Ông Đặng Ngọc Huy: Để đảm bảo VSATTP tại các lễ hội, ngành chức năng và các địa phương trong tinh đã tập trung vào 2 nội dung chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền và công tác thanh tra, kiểm tra ATTP.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ đạo giao cho 3 ngành gồm: Y tế, Công thương, Nông nghiệp và PTTN phối hợp chủ trì việc triển khai, thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh để kiểm tra những nội dung thuộc lĩnh vực phạm vi quản lý của ngành; giao UBND huyện, thành phố và UBND cấp xã triển khai kiểm tra liên ngành ATTP và tuyên truyền công tác bảo đảm An toàn thực phẩm Tết Tết Nguyên đán Ất Tỵ và mùa Lễ hội Xuân 2025. Thời gian triển khai các hoạt động trong dịp cao điểm Tết và Lễ hội Xuân từ 27/12/2024 đến hết 25/3/2025.
Đối với công tác tuyên truyền, Ban Chỉ đạo liên ngành ATTP cấp tỉnh đã chỉ đạo các sở ngành, địa phương tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh, huyện đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Ưu tiên sử dụng hệ thống loa, đài truyền thanh ở xã, phường, khu phố để chuyển tải Thông điệp “Bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025” do Bộ Y tế cung cấp.
PV: Ông có thể đưa ra một vài khuyến cáo đối với người dân và các cơ sở kinh doanh để phòng, tránh nguy cơ mất VSATTP tại các lễ hội?
Ông Đặng Ngọc Huy: Để đảm bảo VSATTP, người kinh doanh, cần đảm bảo khu vực bán hàng được thiết kế phù hợp, có nơi chế biến thức ăn, đồ uống và nơi cho khách sử dụng dịch vụ sạch sẽ, cách biệt với các nguồn ô nhiễm từ môi trường; không để lẫn giữa thực phẩm sống với thực phẩm đã nấu chín; có đủ nước sạch để vệ sinh dụng cụ chế biến, đựng đồ ăn. Đặc biệt, nguyên liệu bày bán phải có nguồn gốc an toàn, thực phẩm đóng gói sẵn phải có đầy đủ nhãn mác theo quy định; không sử dụng thực phẩm quá hạn hay phụ gia thực phẩm ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế...
Đối với người dân, du khách tham gia lễ hội hãy lựa chọn đồ ăn, thức uống tại những địa điểm phục vụ có uy tín, thương hiệu; các hàng, quán đảm bảo những yếu tố về VSATTP. Khi thấy các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có dấu hiệu vi phạm VSATTP, người dân cần thông tin đến các đơn vị chức năng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý.
PV: Xin cảm ơn ông!
Toàn tỉnh hiện có trên 2.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và khoảng gần 1.450 quầy hàng kinh doanh thức ăn đường phố. Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất tỵ 2025, các đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP các cấp của tỉnh tiến hành kiểm tra tại 386 cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm. Qua kiểm tra, các đoàn đã phát hiện 63 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính với tổng số tiền trên 300 triệu đồng, thu hồi và tiêu hủy nhiều loại thực phẩm, hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục của Bộ Y tế...