Bảo đảm các đề xuất chính sách sát thực tế, khả thi

Chiều 27.10, thảo luận tại Tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các đại biểu ĐBQH tại tổ 13 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang) đề nghị đánh giá kỹ lưỡng tác động chính sách, bảo đảm đề xuất chính sách sát thực tế, khả thi.

Đại biểu tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận tại tổ chiều 27.10. Ảnh: Nghĩa Đức

Đại biểu tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang thảo luận tại tổ chiều 27.10. Ảnh: Nghĩa Đức

Cần nhắc kéo dài thời gian giải ngân vốn hơn

Các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14, với các nội dung đề nghị điều chỉnh gồm: điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư dự án; điều chỉnh diện tích đất thu hồi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và kéo dài thời gian giải ngân; bổ sung nội dung về bố trí tái định cư các hộ dân thuộc hai tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào Khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn.

Các đại biểu nêu rõ, việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14, trước khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt điều chỉnh Dự án là cần thiết nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện, nhất là đối với việc điều chỉnh về thời gian thực hiện Dự án.

Đa số các ý kiến cũng cho rằng, việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn, còn các nội dung đề nghị điều chỉnh khác của Dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Luật Đầu tư công, vì không làm tăng tổng mức đầu tư Dự án, không tăng diện tích đất thu hồi là phù hợp.

Tại Tờ trình về nội dung này, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án “đến hết năm 2024”. Dự thảo Nghị quyết cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn đến hết năm 2024 có đủ đề hoàn thành dự án theo tiến độ đề ra hay không? Nêu câu hỏi, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phân tích: Đến thời điểm này mặc dù Dự án đã hoàn thành 2/3 tiến độ, nhưng các nhiệm vụ còn lại rất khó khăn. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ và phải có cam kết hoặc giải pháp cụ thể, quyết liệt nhằm hoàn thành Dự án.

ĐBQH Lê Minh Nam (Hậu Giang) đề nghị, Chính phủ cần làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020, 2021 đã được chuyển nguồn hay chưa? Có đủ điều kiện để báo cáo Quốc hội cho phép kéo dài phần vốn này đến hết năm 2024 hay không? Đại biểu cũng đề nghị, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách để đạt được mục tiêu đề ra và thực hiện có hiệu quả.

Một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần chủ động, kịp thời báo cáo Quốc hội khi quá trình triển khai Dự án có khả năng không bảo đảm tiến độ. Và, một số chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội cần phải điều chỉnh để bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục, gây lãng phí thời gian và nguồn lực thực hiện Dự án; đồng thời đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút kinh nghiệm qua triển khai khi để chậm tiến độ Dự án.

Cần có giải pháp đồng bộ bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất

Góp ý về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các ý kiến tại tổ 13 cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội nhằm góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc về quy định tại một số luật và từ thực tiễn phát sinh.

ĐBQH Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cho biết, hiện cả nước có khoảng hơn 20 dự án của nhiều tỉnh với tổng mức kinh phí hơn 770 tỷ đồng đang bị nợ đọng xây dựng cơ bản. Riêng trên địa bàn Lạng Sơn có 2 dự án được nêu trong Tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Đại biểu mong muốn, Bộ Giao thông Vận tải sớm tham mưu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét chấp thuận chủ trương cho phép bố trí vốn kế hoạch đầu tư công để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh sau ngày 1.1.2015.

Các ý kiến thảo luận tại Tổ 13 cũng tán thành với đề xuất của Chính phủ về các chính sách thí điểm cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư, đa dạng hóa các hình thức huy động, nhất là các nguồn lực ngoài nhà nước.

Thực tế thời gian qua cho thấy, các dự án hạ tầng giao thông được dự kiến triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) gặp khó khăn, chủ yếu là do cơ chế, chính sách của Nhà nước thiếu ổn định, chưa có cơ chế bảo vệ nhà đầu tư một cách thỏa đáng... dẫn đến các tổ chức tín dụng, nhà đầu tư quan ngại việc đầu tư các dự án giao thông PPP. Xuất phát từ thực tế này, đại biểu Lê Minh Nam đề nghị, cần xác định cụ thể phương án tài chính, tỷ lệ tham gia của vốn nhà nước, bảo đảm đề xuất chính sách sát thực tế, khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho rằng, đề xuất của Chính phủ về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư sẽ chưa xử lý triệt để được những khó khăn, vướng mắc hiện nay. Vì vậy, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để bảo đảm hiệu quả của chính sách đề xuất.

Thanh Chi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-cac-de-xuat-chinh-sach-sat-thuc-te-kha-thi-i347867/