Bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch trong đấu thầu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ 2 nội dung của dự án Luật Đầu thầu là đấu thầu phải bảo đảm lợi ích tối đa của người được mời thầu và bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch.
Sáng 12/6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Đây là nội dung đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận lần 2 trong đợt 1 của Kỳ họp thứ 5 và sẽ xem xét biểu quyết thông qua trong đợt 2 của Kỳ họp.
Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhằm bảo đảm chất lượng các dự án luật, nghị quyết chuẩn bị được thông qua tại kỳ họp này, các Ủy ban của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Chính phủ làm ngày làm đêm không kể ngày nghỉ, trao đổi sôi nổi cả trong và ngoài giờ.
“Đây là giai đoạn chuẩn bị thu hoạch hái quả nên phải thật kỹ lưỡng, không để bất kỳ một ý kiến nào của đại biểu không được tiếp thu, giải trình một cách thỏa đáng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, công tác xây dựng pháp luật phải quán triệt theo đúng tinh thần của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đúng, đủ quy trình, đã đủ chín, đủ rõ, cấp bách, đã được chuẩn bị kỹ lưỡng và có sự đồng thuận, thống nhất cao thì quy định trong luật. Đồng thời, phải bảo đảm tinh thần công khai, minh bạch và phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng pháp luật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần tổng rà soát lại các điều khoản, bảo đảm tính kế thừa. Ngoài trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra, Ủy ban Pháp luật thì tất cả các Ủy ban của Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Viện nghiên cứu lập pháp phải có trách nhiệm rà soát các điều, khoản.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần làm rõ 2 nội dung của dự án Luật Đầu thầu là đấu thầu phải bảo đảm lợi ích tối đa của người được mời thầu và bảo đảm môi trường kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch.
Về vấn đề quản lý nhà nước, đề nghị thiết kế theo hướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối, các bộ ngành khác thực hiện theo chức năng nhiệm vụ có liên quan.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) ngày 24/5, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất cao về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo đó, dự thảo Luật quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên trong công tác đấu thầu, bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch, cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, tạo niềm tin cho các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai hoạt động đấu thầu.
Các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến về phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước. Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đề xuất bãi bỏ điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu hiện hành để không áp dụng Luật này đối với hoạt động lựa chọn nhà thầu thuộc các dự án có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước từ 30% trở lên hoặc dưới 30% nhưng trên 500 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư của dự án.
Tại Kỳ họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội 2 phương án quy định trong luật về nội dung này. Phương án 1: giữ như phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Theo đó, Luật Đấu thầu (sửa đổi) bãi bỏ quy định áp dụng Luật Đấu thầu đối với các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, vốn của doanh nghiệp nhà nước quy định tại điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Đấu thầu năm 2013, Luật sửa đổi quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Phương án 2: quy định đối tượng áp dụng bao gồm dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có trên 50% vốn thuộc sở hữu của doanh nghiệp nhà nước.
Thảo luận tại hội trường, một số ý kiến đề nghị chọn phương án 2 để không thu hẹp quá mức đối tượng đấu thầu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của nhà nước vào doanh nghiệp nhà nước và vốn của doanh nghiệp nhà nước đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp khác mà doanh nghiệp nhà nước nắm quyền chi phối. Một số ý kiến đề nghị chọn phương án 1 để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh...
Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tiếp tục góp ý đối với các điều, khoản quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế như quy định mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít, quy định cụ thể trường hợp Bộ trưởng Y tế ban hành danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia, quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế…
Liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, một số ý kiến đề nghị không quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, một số ý kiến khác và Chính phủ cho rằng, việc áp dụng cơ chế đặc biệt để lựa chọn nhà đầu tư là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thể lường trước được trong tương lai.
Cũng trong phiên làm việc sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Giá (sửa đổi).