Bảo đảm chất lượng và tiến độ Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội là dự án đầu tư quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (GTVT).

Dự án giúp cải thiện hạ tầng giao thông, giảm ách tắc đường Vành đai 3, tăng cường kết nối, tạo thêm động lực phát triển mạnh mẽ cho Hà Nội và các địa phương lân cận. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ cũng như bảo đảm chất lượng dự án.

Đầu tư đồng bộ về hạ tầng

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-8-2022 để tổ chức thực hiện. Dự án được triển khai thành 7 dự án thành phần, vận hành độc lập, trong đó TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản, cơ quan có thẩm quyền đối với 3 dự án thành phần: Dự án thành phần 1: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (bao gồm hệ thống đường cao tốc, đường song hành (đường đô thị), hạ tầng kỹ thuật và hành lang dự trữ đường sắt quốc gia) thuộc địa phận TP Hà Nội; Dự án thành phần 2: Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận TP Hà Nội; Dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư.

 Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức.Ảnh: VIẾT THÀNH

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khảo sát vị trí khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Hoài Đức.Ảnh: VIẾT THÀNH

Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, dự kiến sẽ hoàn thành năm 2026 và đưa vào sử dụng năm 2027. Tuy nhiên để dự án về đích đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, theo các chuyên gia, cần phải xem xét kỹ lưỡng các bài toán liên quan đến: Hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế-xã hội, quyền lợi của nhà đầu tư, phương án kết nối và tổ chức giao thông, giải phóng mặt bằng, dân cư, môi trường, cảnh quan, không gian...

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, triển khai công tác giải phóng mặt bằng các khu tái định cư, bố trí đất ở cho người dân cần phải đầu tư đồng bộ về hạ tầng để tạo thuận lợi cho bà con với tinh thần nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. Đồng thời, tập trung hoàn thành công tác di chuyển mộ vào dịp cuối năm; giải quyết các công trình hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng bảo đảm 100% vào cuối tháng 12-2023 theo nghị quyết của Chính phủ. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị rà soát lại các mỏ vật liệu và cần phải xác định rõ về nhận thức là vật liệu xây dựng cung cấp cho dự án đường Vành đai 4. Ngoài ra, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thường xuyên, liên tục để tránh thất thoát, lãng phí, không để xảy ra tiêu cực.

Bảo đảm phát triển quỹ đất hai bên tuyến đường Vành đai 4

Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT), ngoài các vấn đề liên quan đến phát triển mạng đường cao tốc, vai trò kết nối của tuyến cao tốc, cần xem xét và nghiên cứu kỹ các phương án để việc phát triển quỹ đất hai bên tuyến đường đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm không gian phát triển các khu đô thị, công nghiệp... Có những phương án bố trí các nút giao, điểm lên xuống của đường cao tốc, đặc biệt về cự ly, khoảng cách giữa các nút giao, điểm lên xuống. Các phương án cần hài hòa và phù hợp, tránh trường hợp không đúng chức năng của tuyến đường vành đai, có thể trở thành đường phục vụ giao thông đô thị.

Ông Phạm Khắc Thưởng, Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề xuất cần nghiên cứu, cập nhật, hoàn thiện quy hoạch tỉnh; bổ sung kế hoạch sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị bảo đảm sự gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và những tuyến đường của địa phương để phát triển các không gian kinh tế, tận dụng tối đa lợi thế do những tuyến đường bộ cao tốc mang lại. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ việc sử dụng, khai thác quỹ đất tại khu vực các nút giao. Tập trung ưu tiên những dự án đường địa phương phục vụ sản xuất, kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, các dự án động lực, có tính lan tỏa cao, tạo nguồn thu lâu dài cho địa phương, tạo công ăn việc làm và sinh kế cho người dân địa phương. Hạn chế tối đa việc giao các vị trí thuận lợi để phát triển bất động sản nhà ở; khắc phục triệt để tình trạng phát triển manh mún, không đồng bộ.

Về nguồn vật liệu cung cấp cho dự án, ông Lê Mạnh Cường, Viện Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng cho rằng, nhu cầu vật liệu cho dự án (cát, đá, xi măng, thép...) tương đối lớn, được triển khai đồng thời với những dự án khác trong khu vực, trong khi các địa phương có dự án đi qua có nguồn vật liệu hạn chế. Do đó, UBND TP Hà Nội cần làm rõ nguồn cung cấp vật liệu, xây dựng phương án cụ thể nguồn tài nguyên khai thác cho dự án, trong đó đánh giá hiện trạng các mỏ hiện nay, phương án vận chuyển và thi công cho từng hạng mục của dự án.

LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-dam-chat-luong-va-tien-do-du-an-duong-vanh-dai-4-vung-thu-do-ha-noi-744741