Bảo đảm chế độ chính sách công bằng khi tham gia xây dựng pháp luật
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 15/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận tại tổ.
Bảo đảm chế độ chính sách công bằng khi tham gia xây dựng pháp luật
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Đặng Bích Ngọc khẳng định, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật đã quán triệt, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, nhất là đã kịp thời triển khai yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 66-NQ/TƯ về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới. Do đó, về cơ bản, đại biểu nhất trí, đồng tình cao với các nội dung của dự thảo. Cơ bản các nội dung đã bám sát vào Nghị quyết số 66-NQ/TƯ trên cơ sở các nội dung, yêu cầu, cũng như điều kiện và liên quan đến các vấn đề để triển khai thực hiện, bảo đảm thực chất, hiệu quả.
Góp ý cụ thể vào Điều 4 về ngân sách thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt, đại biểu Đặng Bích Ngọc cho rằng, tại Khoản 1, Điều 4 có quy định: "1. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi cho công tác xây dựng pháp luật không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển”. Mức quy định 0,5% tổng chi ngân sách là số lượng rất lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên cần phải làm rõ liên quan đến cơ chế chi sau này để bảo đảm việc chi hiệu quả, tránh lãng phí, tạo sự đồng thuận, thống nhất từ Trung ương đến địa phương trong công tác chi và những Luật trước đây.
Đại biểu dẫn chứng: "Liên quan đến khoa học, công nghệ thì kinh phí thực hiện có nhưng để chi được đòi hỏi rất nhiều quy trình, thủ tục, ảnh hưởng đến quá trình triển khai. Do đó, cần có định mức và quy định tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện và chi các mục liên quan đến ngân sách để thực hiện cơ chế, chính sách đặc biệt này”.
Tại Điều 7 về chế độ chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật quy định "1. Người trực tiếp, thường xuyên làm công tác tham mưu nghiên cứu chiến lược, chính sách, xây dựng pháp luật tại một số cơ quan, đơn vị được hưởng hỗ trợ hằng tháng bằng 100% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng (không bao gồm phụ cấp)”, gồm ĐBQH hoạt động chuyên trách và lãnh đạo, công chức, sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang có vị trí việc làm xây dựng pháp luật, pháp chế, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp quốc tế nghiên cứu viên thuộc cơ quan, đơn vị theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Nghị quyết này. Đây là quy định rất "đúng, trúng” và phù hợp với giai đoạn hiện nay.
Theo đại biểu, trong Phụ lục I quy định các đối tượng được hưởng theo khoản 6, ở địa phương các Ban HĐND tỉnh thực hiện chức năng giúp HĐND tỉnh thẩm tra các nghị quyết của HĐND tỉnh. Nếu chỉ quy định Ban Pháp chế HĐND tỉnh là chưa đầy đủ, bởi Ban Kinh tế - Ngân sách cũng đảm nhận nội dung rất nhiều. "Nên chăng có thể nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng là các đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở cấp tỉnh để bảo đảm chế độ chính sách đưa ra được công khai, công bằng trong việc tham gia công tác xây dựng và thực thi pháp luật”, đại biểu đặt vấn đề.
Tại mục d, Điều 7 có quy định "d) Đối tượng không thuộc các điểm a, b và c khoản này do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.” Qua thực tiễn lắng nghe ý kiến, hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức thuộc cơ quan Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh thường xuyên giúp việc cho Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh trong việc thực hiện công tác xây dựng thể chế, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật cũng, các nghị quyết của HĐND tỉnh. Có thể thấy, đối tượng chuyên viên trực tiếp giúp việc cho Đoàn ĐBQH và các Ban HĐND tỉnh phải nghiên cứu, tham gia, đóng góp toàn bộ thời gian công việc cho hoạt động thực hiện xây dựng pháp luật. Do vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xem xét đưa các đối tượng này vào danh mục để động viên, quan tâm, tạo sự công bằng cho việc thực thi sau này.
"Về tỷ lệ phân chia đối với cơ quan xây dựng soạn thảo thẩm định trình sẽ được hưởng tỷ lệ 70% và thẩm tra, thông qua sẽ là 30%. Tỷ lệ này là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được trong bối cảnh hiện nay. Với mức chi này sẽ động viên, khích lệ rất lớn. Tuy nhiên cũng đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ngày càng phải được nâng cao hơn, trong công tác lựa chọn cán bộ và các nhiệm vụ liên quan phải có quy định tương ứng để những người có trình độ chuyên môn giỏi sẽ được hưởng cơ chế, chính sách phù hợp”, đại biểu đề xuất.
Quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn lực lượng gìn giữ hòa bình
Tham gia vào dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đại biểu Đặng Bích Ngọc hoàn toàn đồng tình về sự cần thiết phải ban hành luật trong giai đoạn hiện nay. Thực tiễn, lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam đang hoàn thành rất tốt sứ mệnh của mình, thể hiện tình đoàn kết, trách nhiệm của Việt Nam với Liên hợp quốc. Qua đó khẳng định được vai trò, vị thế của Việt Nam trên thế giới. Việc ban hành dự thảo Luật để quy định các vấn đề liên quan đến tuyển chọn, cơ chế chính sách, điều kiện hoàn toàn phù hợp.
Viện dẫn Điều 11 các hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu cho biết, thực tế, hoạt động gìn giữ hòa bình là lĩnh vực phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể phát sinh các hành vi vi phạm tại thời điểm pháp luật chưa lường hết được. Do vậy, đại biểu cho rằng, trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu dự liệu thêm nhiều trường hợp, các hành vi bị nghiêm cấm để có thể bao quát, xử lý được các vấn đề thực tiễn xảy ra. "Đề nghị quy định các hành vi bị nghiêm cấm khác trong tham gia lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hợp quốc”, điều này để bảo đảm dự án Luật sẽ đầy đủ hơn.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 14 quy định "a) Tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hóa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thực hiện nhất quán đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đối ngoại, hội nhập quốc tế với mục tiêu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên”. Theo đại biểu, để bảo đảm tính bao quát đầy đủ cần bổ sung thêm các cụm từ "các điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên đã ký kết” để bảo đảm quy định đầy đủ về nội dung này.
Liên quan đến Điều 13, Điều 15 về tuyển chọn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ Liên hợp quốc và vấn đề đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng, trang bị, trang phục của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc. Tại Điều 13 về tuyển chọn lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, trong dự thảo Luật quy định tiêu chí lựa chọn sẽ do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định điều kiện, tiêu chuẩn tuyển chọn đối với lực lượng thuộc quyền, đáp úng yêu cầu của Liên hợp quốc theo từng đơn vị, vị trí tuyển chọn.
Đại biểu cho rằng, quy định khung như vậy là phù hợp. Bởi lực lượng này đòi hỏi các tiêu chuẩn, điều kiện phải linh hoạt, am hiểu văn hóa, có ngoại ngữ,… nếu quy định các tiêu chí cứng sẽ rất khó trong việc tuyển chọn đối tượng. Do vậy, việc dự thảo quy định về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an sẽ xem xét và quy định tiêu chuẩn sẽ rất phù hợp và giải quyết được vấn đề thực tiễn hiện nay trong từng thời kỳ sẽ chọn đối tượng phù hợp.
Theo quy định, đối tượng mở rộng không phải chỉ trong công an, quân đội sẽ do đó, đại biểu đề xuất, việc lựa chọn đối tượng này có thể do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan. Đồng thời, phối hợp giữa Bộ Công an, quân đội và các bộ, ngành liên quan trên cơ sở tiêu chuẩn chung nhưng theo từng nội dung cụ thể. Trường hợp đặc biệt sẽ có những điều kiện tiêu chuẩn phù hợp với các đối tượng tham gia nội dung này.
Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới và các lĩnh vực mới từ trong nước và nước ngoài. Do đó, nên có những cơ chế đào tạo bồi dưỡng kịp thời, liên tục và thường xuyên có chương trình phối hợp với quốc tế đào tạo cho đội ngũ này để có hành trang kiến thức, hội tụ đầy đủ tham gia hoạt động liên quan đến quan hệ ngoại giao giữa các nước. Đại biểu đề nghị, trong dự án luật và xây dựng các nội dung liên quan đến thể chế cần có hướng dẫn cụ thể.
Bùi Hiển
Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Hòa Bình