Bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp với vị thế của nghề giáo

Tuyển dụng giáo viên, biên chế ngành giáo dục luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Câu chuyện gần 3.000 giáo viên hợp đồng ở Hà Nội không đủ điều kiện xét đặc cách chưa kịp lắng xuống thì những ngày qua việc tinh giản biên chế giáo viên tiếp tục 'nóng' lên tại nghị trường Quốc hội.

Nhân kỷ niệm 37 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã trao đổi với TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về vấn đề bảo đảm chế độ, chính sách cho nhà giáo trong thời gian tới.

 TS Hoàng Đức Minh.

TS Hoàng Đức Minh.

Phóng viên (PV): Ước tính hiện nay cả nước có hơn 1,3 triệu giáo viên. Tuy nhiên tình trạng thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương vẫn đang tồn tại. Thực trạng thừa, thiếu giáo viên hiện nay ra sao, thưa ông?

TS Hoàng Đức Minh: Đến thời điểm này, thực trạng thừa, thiếu giáo viên ở một số địa phương vẫn còn, đặc biệt là số lượng giáo viên mầm non hiện đang thiếu 65.542 người. Trước thềm năm học mới 2019-2020, Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ đã đề xuất Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ xem xét giao bổ sung thêm 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng trưởng "nóng" và 5 tỉnh Tây Nguyên, nên về cơ bản đã khắc phục được tình trạng này. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng giảng dạy theo đúng quy định, ngành GD&ĐT đã phối hợp với các địa phương tìm nhiều giải pháp. Hiện nay, ngành đã có một cơ sở dữ liệu phản ánh thực trạng của đội ngũ nhà giáo ở tất cả vùng miền, các tỉnh và từng bộ môn để từ đó nhìn ra hiện tượng thừa, thiếu. Mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng có công văn gửi Bộ Nội vụ để bộ nắm bắt và có phương án tiếp tục đề xuất bổ sung, đặc biệt là những vùng khó khăn, vùng có tăng trưởng "nóng". Cùng với đó, bộ cũng chỉ đạo các địa phương đặt hàng các cơ sở đào tạo theo nhu cầu, giải quyết việc không để thừa giáo viên, tránh lãng phí nguồn nhân lực trong thời gian tới.

PV: Những ngày qua, tâm thư của một giáo viên hợp đồng được đưa lên nghị trường Quốc hội đã làm “nóng” dư luận xã hội. Vậy, Bộ GD&ĐT có phương án nào để giải quyết tâm tư cho đội ngũ giáo viên hợp đồng?

TS Hoàng Đức Minh: Thực hiện Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, từ năm nay các địa phương sẽ phải chấm dứt, giải quyết dứt điểm vấn đề hợp đồng dạy học đối với giáo viên. Câu chuyện giáo viên hợp đồng là vấn đề lịch sử để lại do một giai đoạn các tỉnh không được giao biên chế. Trong quá trình giải quyết, các địa phương cần tính đến chính sách thỏa đáng cho đội ngũ giáo viên hợp đồng lâu năm, bảo đảm an sinh, tính đến năng lực, sự cống hiến của các thầy, cô giáo trong giai đoạn khó khăn của ngành, của địa phương. Bộ cũng đưa ra phương án tính thừa giờ theo quy định hiện hành cho đội ngũ này. Đây là giải pháp vừa giải quyết dứt điểm tồn đọng, vừa tính đến chính sách để bảo đảm cho sự vận hành dạy học được nối tiếp.

PV: Tới đây, khi Luật Giáo dục (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 sẽ tác động như thế nào đến chính sách đối với giáo viên, thưa ông?

TS Hoàng Đức Minh: Khi Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực sẽ có một số chính sách thay đổi lớn đối với giáo viên. Thứ nhất, toàn bộ hệ thống giáo viên phổ thông sẽ phải đạt chuẩn tối thiểu là trình độ đại học và giáo viên mầm non là cao đẳng. Để làm được điều này, Bộ GD&ĐT phải có phương án bồi dưỡng giáo viên chưa đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu công việc, đồng thời phải có lộ trình ngắn nhất để đào tạo giáo viên đang giảng dạy chưa đạt chuẩn. Ngay từ năm học này, các trường sư phạm bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo đáp ứng chuẩn theo quy định mới. Nếu tính trung bình ở tất cả các cấp học thì tổng đội ngũ cần đào tạo lại khoảng 25%. Hiện nay, lộ trình cho việc đào tạo lại đội ngũ giáo viên chưa đạt chuẩn cùng với việc đào tạo mới mà Bộ GD&ĐT xây dựng bắt đầu bắt nhịp với yêu cầu của Luật Giáo dục (sửa đổi).

 Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN HOÀI

Thay đổi tiếp theo là nếu như trước đây chuẩn nghề nghiệp giáo viên, cán bộ quản lý không được nói đến một cách tường minh trong các văn bản quy phạm pháp luật thì tới đây, nội dung này sẽ được đưa vào luật và trở thành khung quy định với năng lực, phẩm chất giống như khung năng lực, phẩm chất của học sinh trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Một thay đổi nữa là việc khẳng định lại phụ cấp phù hợp với tính đặc thù của ngành và phù hợp với yêu cầu trong các chỉ thị và nghị quyết của Đảng. Từ đó là căn cứ để thiết kế bảng lương theo tinh thần của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành.

PV: Bảng lương, phụ cấp đối với giáo viên theo quy định mới cụ thể sẽ được tính như thế nào, thưa ông?

TS Hoàng Đức Minh: Hiện nay, lương giáo viên đang được trả theo quy định của Luật Viên chức từ năm 2010, tức là trả theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Theo tiêu chuẩn này thì giáo viên mới vào ngành dù ở trình độ đào tạo gì cũng chỉ được trả ở mức lương thấp nhất. Tuy nhiên, tới đây, bảng lương sẽ được trả theo tính chất phức tạp và vị trí việc làm. Theo cách tính này, dự kiến sẽ không còn khái niệm lương cơ bản mà sẽ là một lượng tiền ứng với khởi động ban đầu, nhân với các hệ số.

Tới đây cũng sẽ không còn phụ cấp thâm niên mà chỉ có bậc lương gắn với trình độ đào tạo, nhưng có thêm phụ cấp ưu đãi với nghề. Bộ đang cố gắng bảo vệ quan điểm phụ cấp ưu đãi của ngành sẽ đạt tối đa là 30% theo tính chất phức tạp đặc thù nghề. Đây cũng là cách khẳng định giá trị, sự tôn vinh của xã hội với nghề giáo. Như vậy, lương giáo viên, đặc biệt là mầm non, tiểu học, THCS sẽ được nâng lên, kể cả những giáo viên mới vào ngành. Việc trả lương theo cách này sẽ hợp lý hơn với bối cảnh hiện nay.

PV: Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo viên sẽ phải dạy bắt buộc hai buổi/ngày. Khối lượng công việc nhiều hơn, liệu tiền lương có được tăng lên không, thưa ông?

TS Hoàng Đức Minh: Chúng ta cần phải hiểu là việc dạy hai buổi/ngày không phải khối lượng công việc của một giáo viên sẽ tăng lên mà theo chương trình mới, khối lượng công việc nhiều hơn thì định mức giáo viên/lớp học cũng sẽ tăng lên. Ngay từ khi chương trình mới khởi động, Bộ GD&ĐT đã đặt hàng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xây dựng lại toàn bộ định mức làm việc của giáo viên từ tiểu học, THCS, THPT theo chương trình mới, để tính theo chương trình ấy một tuần, một ngày, một buổi dạy, giáo viên phải làm bao nhiêu thời gian; sau đó quy đổi theo đúng giờ làm việc theo quy định của Nhà nước thì sẽ ra bao nhiêu tiết thật giáo viên phải đứng lớp, từ đó thay đổi định mức giáo viên trên lớp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

NGUYỄN HOÀI (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/giao-duc/bao-dam-che-do-chinh-sach-phu-hop-voi-vi-the-cua-nghe-giao-602985