Bảo đảm chính sách khả thi
Dự án Luật Nhà giáo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37 vừa qua; với mong muốn tạo điều kiện để nhà giáo yên tâm công tác, tâm huyết và trách nhiệm với nghề, dự thảo đã có quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo.
Chính sách đối với nhà giáo luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Đó cũng là lý do câu chuyện tiền lương của giáo viên không đủ sống đã từng nhiều lần “nóng” lên trên diễn đàn Quốc hội khi các đại biểu đề cập đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên.
Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương đã nêu rõ: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”. Chủ trương là vậy, nhưng trên thực tế tiền lương của nhà giáo đang được chi trả theo quy định tại Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Và cho đến nay, sau hơn 10 năm, thì “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” chúng ta vẫn chưa thực hiện được.
Một trong những điều mà nhiều giáo viên đang tâm tư, nhất là giáo viên mầm non, phổ thông, đó là mức lương của nhà giáo hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ, công chức ngành khác. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để bảo đảm mức sống cho giáo viên.
Chính thu nhập chưa đủ sống là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng giáo viên không an tâm công tác, một bộ phận giáo viên bỏ việc, chuyển việc. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, một số địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung số giáo viên còn thiếu, đặc biệt là giáo viên đối với khu vực vùng cao, kinh tế còn khó khăn. Thực tế này nếu không được giải quyết, việc thiếu nguồn giáo viên cho việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới là một thách thức không nhỏ, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc này, dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định: lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và được hưởng các phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, để giúp nhà giáo yên tâm làm việc, cống hiến và phát triển nghề nghiệp; thu hút, trọng dụng và ưu đãi với người có tài năng làm nhà giáo; thu hút nhà giáo về công tác và công tác lâu dài trong ngành giáo dục, đặc biệt ở các vùng khó khăn... dự thảo Luật quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo quy định tại Luật này có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định, “miễn giảm học phí cho con của nhà giáo đang trong thời gian công tác”.
Xây dựng chính sách tiền lương cho nhà giáo là một trong những vấn đề lớn được quy định trong các văn kiện của Đảng nhằm tạo động lực cho giáo viên an tâm công tác, thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm. Do đó dự thảo Luật quy định những chính sách “đột phá” đủ sức hấp dẫn để giữ chân giáo viên đứng lớp, để thu hút nhân tài vào ngành là mong mỏi của đội ngũ giáo viên. Tuy nhiên, dự thảo luật “quy định tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo ở cơ sở giáo dục ngoài công lập không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh của nhà giáo công lập”, trong khi theo quy định của Bộ luật Lao động thì tiền lương thực hiện theo thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động. Đây là điều cơ quan soạn thảo cần cân nhắc để bảo đảm tính thống nhất của các quy định pháp luật.
Trong Kết luận số 959/KL-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo, với các chính sách đối với nhà giáo, Ủy ban Thường vụ cũng yêu cầu, “tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá. Đánh giá kỹ lưỡng tác động, việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện các chính sách. Chính sách tiền lương cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương”.
Chính sách đối với những người làm công tác “trồng người” là rất cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần tính toán cẩn trọng về nguồn lực để chính sách khi ban hành bảo đảm tính khả thi.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-chinh-sach-kha-thi-post391991.html