Bảo đảm chính sách với người có công được trọn nghĩa, vẹn tình

Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, chăm lo cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách luôn được Đảng, Nhà nước, các cơ quan, ban, ngành, địa phương đặc biệt quan tâm, nhờ đó giúp đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình chính sách ngày càng được nâng lên.

Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), Báo Quân đội nhân dân trích đăng một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Trung tướng HOÀNG KHÁNH HƯNG, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam:

Tri ân chưa bao giờ là đủ

Ngày 27-7 hằng năm đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người con đất Việt không bao giờ được quên công ơn các anh hùng liệt sĩ đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Vì Tổ quốc, vì nhân dân mà gần 1,2 triệu người con ưu tú đã hy sinh, trong đó có nhiều người tuổi mới mười tám, đôi mươi. Họ để lại phía sau hạnh phúc riêng tư, những trang sách, giảng đường, xa vợ con, xa bố mẹ lên đường đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc.

Năm 2023, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia (1400) tổ chức phát động nhắn tin “Tri ân liệt sĩ”, với số tiền thu được hơn 3 tỷ đồng. Hội đã hỗ trợ làm 19 căn nhà tình nghĩa (60-80 triệu đồng/căn); giám định ADN cho 33 liệt sĩ (trả lại đúng tên cho 2 liệt sĩ); đưa 103 hài cốt liệt sĩ về với đất mẹ; trao sổ tiết kiệm, tặng quà 1.100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng và thân nhân liệt sĩ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2024, Hội cùng Ban Dự án nền tảng nhân đạo số quốc gia (Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội) tiếp tục phát động Chương trình nhắn tin “Tri ân liệt sĩ” nhằm vận động đồng bào, chiến sĩ cả nước tiếp sức cho công tác tri ân, trả lại tên cho liệt sĩ, đưa các anh về với đất mẹ; góp phần giúp danh sách liệt sĩ chưa biết tên ngắn lại; xóa bớt những ngôi nhà dột nát, có nơi thờ cúng liệt sĩ khang trang hơn. Đây là sự nối tiếp truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc để giáo dục lòng biết ơn cho thế hệ trẻ và góp phần làm thay công việc của liệt sĩ còn để lại.

Ngày 23-7 vừa qua, tại Hội nghị tri ân người có công với cách mạng, Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành đã ấn nút kích hoạt, chính thức ra mắt Ngân hàng gene (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Việc xây dựng Ngân hàng gene liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ không chỉ mở ra hy vọng cho hơn 300.000 gia đình người có công mà còn là niềm mong mỏi của toàn Đảng và nhân dân cả nước rằng tương lai không xa, tất cả liệt sĩ đã nằm xuống, hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc sẽ được quy tập và xác định được danh tính.

-------

Bà NGÔ THỊ THÚY HẰNG, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ (Trung tâm MARIN):

Vai trò quan trọng trong việc xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng

Việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định gene hiện nay gặp nhiều khó khăn do chất lượng hài cốt bị phân hủy, mẫu đối chiếu của thân nhân hạn chế, nên từ hơn 10 năm nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật và Trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sĩ đã kiên trì thực hiện việc xác định hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng và đã thực hiện xác định danh tính cho 1.075 hài cốt liệt sĩ sai hoặc thiếu thông tin. Để có được kết quả như trên, Trung tâm đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vì đây là đơn vị quản lý toàn bộ dữ liệu quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh.

Thực chứng là phương pháp tìm kiếm, thu thập chứng cứ để chứng minh phần mộ sai hoặc thiếu thông tin tại các nghĩa trang liệt sĩ bằng cách chứng minh duy nhất, loại suy hoặc đồng dạng. Do đó, việc quân nhân thuộc đơn vị nào, hy sinh ở đâu và hy sinh với ai là yếu tố cần phải có để thực hiện.

Tuy nhiên, để việc xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đạt được hiệu quả cao hơn, tới đây, Trung tâm sẽ kiến nghị Chính phủ điều chỉnh Điều 144 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30-12-2021 bổ sung thêm trách nhiệm của Cục Chính sách theo hướng đây sẽ là đơn vị cao nhất có thẩm quyền kết luận đối với các trường hợp quân nhân hy sinh hoặc mất tích trong chiến tranh mà các bộ CHQS tỉnh, thành phố không có thông tin để hoàn thiện hồ sơ kiến nghị xác định hài cốt liệt sĩ.

Đồng chí Nguyễn Quốc Trung (ngoài cùng, bên phải), Bí thư Huyện ủy Hòa An, tỉnh Cao Bằng thăm hỏi, động viên thương binh Hoàng Văn Lầu ở xóm Bằng Hà, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An. Ảnh: HOÀNG LAN

Đồng chí Nguyễn Quốc Trung (ngoài cùng, bên phải), Bí thư Huyện ủy Hòa An, tỉnh Cao Bằng thăm hỏi, động viên thương binh Hoàng Văn Lầu ở xóm Bằng Hà, thị trấn Nước Hai, huyện Hòa An. Ảnh: HOÀNG LAN

Đồng chí NGUYỄN QUỐC TRUNG, Bí thư Huyện ủy Hòa An, tỉnh Cao Bằng:

Quan tâm, chăm lo tốt nhất đối với người có công

Huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng là mảnh đất có bề dày lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, trong đó có 10/34 chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân-tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam là con em Hòa An. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhân dân Hòa An anh dũng đấu tranh đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, vì thế, Hòa An cũng là huyện có số lượng người có công, đối tượng chính sách lớn so với cả tỉnh.

Đến nay, toàn huyện đã xác nhận và giải quyết chế độ cho hơn 630 người có công và thân nhân người có công được trợ cấp hằng tháng; 84 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện 2 mẹ còn sống). Trong những năm qua, công tác chăm lo người có công, gia đình chính sách luôn được huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được thực hiện thường xuyên. Hằng năm, huyện huy động hơn 220 triệu đồng để thực hiện các chế độ, chính sách.

Ngoài ngân sách nhà nước, cộng đồng xã hội cũng đã chung tay vào việc hỗ trợ như nhận phụng dưỡng 2 Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Đi đôi với hỗ trợ trực tiếp, huyện luôn quan tâm giải quyết những vấn đề cơ bản, lâu dài cho sự ổn định và cải thiện đời sống các gia đình chính sách thông qua việc hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xóa nhà tạm, nhà dột nát, phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương.

Theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26-4-2013 của Thủ tướng Chính phủ, qua rà soát, toàn huyện có 1.135 hộ người có công và thân nhân cần hỗ trợ nhà ở, trong đó có 606 hộ sửa chữa nhà ở, 529 hộ xây mới nhà ở với tổng kinh phí ngân sách đã hỗ trợ là 33.275 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành hỗ trợ, năm 2024, huyện tiếp tục rà soát số nhà đã được hỗ trợ để thực hiện hỗ trợ sửa chữa khi xuống cấp theo thời gian. Qua rà soát có thêm 34 ngôi nhà của người có công đã được hỗ trợ về nhà ở nhưng nay đã xuống cấp, cần được sửa chữa. Huyện đã kêu gọi, vận động xã hội hóa cùng các nguồn kinh phí hợp pháp để thực hiện và đã được bố trí kinh phí cho 33 nhà với số tiền 980 triệu đồng, còn 1 nhà do không có nguồn đối ứng nên gia đình chưa xây nhà.

Thực hiện Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến, đến nay, huyện đã ban hành quyết định giải quyết chế độ trợ cấp cho 30 trường hợp, chi trả trợ cấp một lần cho 20 người, trợ cấp mai táng phí 10 trường hợp với tổng kinh phí thực hiện là 192 triệu đồng. Dù còn nhiều khó khăn nhưng với lòng biết ơn và trách nhiệm, chính quyền, người dân huyện Hòa An sẽ luôn nỗ lực huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để người có công với cách mạng được hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách của Nhà nước, giúp cuộc sống bớt những khó khăn, phát huy trọn vẹn ý nghĩa của các chủ trương, chính sách đối với người có công.

------

Chị NGÔ THỊ THÙY TRANG, Phó bí thư Tỉnh đoàn Nam Định:

Giáo dục thế hệ trẻ sống xứng đáng với sự hy sinh của cha anh

Nhằm giáo dục cho đoàn viên, thanh niên trong toàn tỉnh về truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, ngay từ những ngày đầu tháng 7, tổ chức đoàn các cấp thuộc Tỉnh đoàn Nam Định đã có nhiều hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, người già neo đơn, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Vận động hỗ trợ, đóng góp ngày công xây mới và sửa chữa nhà tình nghĩa, các công trình phục vụ đời sống, sinh hoạt cho các gia đình chính sách, gia đình thương binh-liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng...

Cụ thể, trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, Tỉnh đoàn Nam Định đã tổ chức lễ thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hồng Quang (Nam Trực); phối hợp cùng các cơ quan chức năng đến thăm, tặng quà 12 gia đình chính sách, người có công trên địa bàn xã Hồng Quang. Các huyện đoàn cũng có những hoạt động thiết thực, ý nghĩa tri ân người có công với cách mạng.

Với những hoạt động của tổ chức đoàn các cấp không chỉ góp phần chăm lo đời sống cho thân nhân, gia đình người có công của tỉnh mà qua đó còn giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi luôn biết trân trọng quá khứ, sống, lao động, học tập sao cho xứng đáng với những hy sinh, mất mát của lớp lớp cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/bao-dam-chinh-sach-voi-nguoi-co-cong-duoc-tron-nghia-ven-tinh-787043