Bảo đảm chỗ ở, đi lại cho cán bộ, công chức xa nhà
Thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, từ ngày 1/7, hàng chục nghìn cán bộ, công chức, viên chức ở nhiều địa phương phải đi làm xa nhà do cơ quan chuyển về trung tâm hành chính mới.

Dự án nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên (Hải Phòng), khi hoàn thành sẽ bố trí cho cán bộ, công chức ở xa về trung tâm làm việc. (Ảnh: XUÂN TRƯỜNG)
Nhiều địa phương đã bố trí xe đưa đón, hỗ trợ tiền thuê nhà, triển khai dự án nhà công vụ, phát triển quỹ nhà ở xã hội... giúp cán bộ yên tâm công tác, nhanh chóng thích nghi điều kiện làm việc mới.
Hơn 6 giờ sáng, anh Lưu Văn Dũng, cán bộ thuộc Văn phòng Đảng ủy Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã rời khỏi nhà để đón chuyến xe từ Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định (cũ) sang phường Hoa Lư, bắt đầu ngày làm việc mới.
Trên xe, ghế nào cũng kín người, có người tranh thủ chợp mắt, có người lặng lẽ lướt điện thoại xem lại lịch công tác trong ngày. Quãng đường di chuyển 40km dường như ngắn lại bởi vì không khí trên xe lúc nào cũng sôi nổi những câu chuyện, lời hỏi han về gia đình, công việc...
Có xe đưa đón, nhưng anh Dũng vẫn mong tỉnh sớm có nhà công vụ hoặc nhà ở xã hội, để anh và nhiều công chức khác thuận tiện chăm sóc gia đình.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã thí điểm tổ chức xe đưa đón cán bộ, công chức từ phường Nam Định và phường Phủ Lý về làm việc tại phường Hoa Lư từ ngày 1 đến 31/7.
Xe tập trung tại trụ sở các cơ quan lớn hoặc nhà văn hóa trung tâm, thuận tiện cho việc gửi phương tiện cá nhân của mọi người. Từ tháng 8 đến hết năm 2025, tỉnh sẽ tăng số lượng lên 15 lượt xe trong buổi sáng, 15 lượt xe buổi chiều theo 3 khung giờ, đáp ứng nhu cầu đi lại của cán bộ sau sáp nhập.
Từ ngày 1/7, thành phố Hải Phòng tiếp nhận số lượng lớn cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Hải Dương (cũ) sau khi 2 địa phương hợp nhất.
Theo thống kê của Sở Xây dựng, có hơn 4.100 người di chuyển về Hải Phòng làm việc, trong đó có khoảng 1.000 người có nhu cầu đi lại thường xuyên hằng ngày, số còn lại thuê nhà hoặc ở lại Hải Phòng. Thành phố đã phối hợp 14 doanh nghiệp vận tải tổ chức các chuyến xe hợp đồng phục vụ đưa đón tập trung.
Sở Xây dựng cũng đề xuất Tổng công ty Đường sắt Việt Nam điều chỉnh giờ tàu khách tuyến Hà Nội–Hải Phòng phù hợp với thời gian đi lại của cán bộ, công chức.
Tại Hưng Yên, sau khi tiếp nhận cán bộ từ tỉnh Thái Bình (cũ) về công tác, các sở, ngành cũng chủ động tổ chức cán bộ trong quãng đường 50km từ trung tâm tỉnh cũ sang khu trung tâm hành chính mới.
Đến nay có 22 cơ quan, đơn vị của tỉnh tổ chức xe đưa đón, trong đó 9 đơn vị sử dụng xe cơ quan, số còn lại thuê xe hợp đồng để bảo đảm công việc không gián đoạn và tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ.
Bên cạnh việc bố trí phương tiện di chuyển, các địa phương cũng quan tâm xây dựng các chính sách hỗ trợ tài chính cho cán bộ, công chức đi làm xa nhà.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hải Phòng Nguyễn Đức Tuấn cho biết, ngày 26/6, Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương (cũ) đã ban hành Nghị quyết số 09/2025/NQ-HĐND, quy định mỗi cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng đến hết năm 2025, trong đó 2,376 triệu đồng để hỗ trợ chi phí đi lại.
Việc hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại và làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Hải Dương (cũ) sang Hải Phòng làm việc đã được thành phố Hải Phòng (mới) và các sở, ngành quan tâm triển khai, góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính, giúp cán bộ yên tâm công tác và sớm ổn định cuộc sống.
Ở các tỉnh miền trung và Tây Nguyên, điều kiện đi lại còn khó khăn hơn do khoảng cách xa và giao thông kết nối chưa đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Đắk Lắk Lê Hùng cho biết, theo phương án ban đầu, có gần 1.700 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Phú Yên phải di chuyển lên trung tâm tỉnh mới, cách cơ quan cũ 200km.
Tuy nhiên, 1 tuần qua, một số cán bộ, công chức, viên chức vẫn làm việc tại cơ sở cũ, mới có 698 người lên trung tâm hành chính tỉnh Đắk Lắk mới làm việc.
Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền, công tác tại Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, gia đình chị ở Tuy Hòa, chị phải để con nhỏ ở nhà, cuối tuần mới về thăm nhà, khi nào ổn định nơi ăn chốn ở trên này thì chị mới đón con lên ở cùng.
Chị Huyền chia sẻ: “Tôi và 25 cán bộ, nhân viên khác trong ban mới chuyển lên Đắk Lắk đều nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và tình cảm từ các đồng nghiệp ở địa phương. Vì vậy, chúng tôi yên tâm công tác”.
Chị Trịnh Thị Huỳnh Hân, công tác tại Sở Nội vụ cho biết: Cả hai vợ chồng chị đều công tác tại các cơ quan tỉnh Phú Yên (cũ), khi chuyển lên tỉnh mới đã đưa con theo, thuê nhà gần nơi làm việc, sớm tìm trường học cho con để giảm áp lực đi lại, bảo đảm công việc.
Sau khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, nhiều địa phương nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ chỗ ở cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức điều chuyển đến nhận công tác tại địa bàn mới.
Đây là yếu tố quan trọng bảo đảm cho bộ máy chính quyền vận hành thông suốt, hiệu quả trong giai đoạn chuyển tiếp.
Tại Ninh Bình, nhằm giải quyết khó khăn lâu dài cho cán bộ, công chức, viên chức được điều động từ Nam Định và Hà Nam (cũ) về làm việc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án nhà ở công vụ tại phường Hoa Lư.
Dự án tận dụng lại hạ tầng khu ký túc xá cũ, cải tạo và hoàn thiện 2 tòa nhà cùng hạ tầng kỹ thuật trên diện tích hơn 2ha với tổng mức đầu tư hơn 210 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ đáp ứng chỗ ở cho lượng lớn cán bộ sau sáp nhập.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, tỉnh chỉ đạo các đơn vị thi công sớm hoàn thiện khu nhà công vụ và nghiên cứu thêm các dự án nhà ở xã hội phù hợp, góp phần ổn định đời sống, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác lâu dài tại tỉnh.
Để giải quyết nhu cầu về trước mắt cho cán bộ, công chức, viên chức, thành phố Hải Phòng đã đề nghị Công ty cổ phần Thái-Holding bố trí khoảng hơn 400 căn hộ trong Dự án khu nhà ở xã hội tại Tổng kho 3 Lạc Viên để cho cán bộ từ Hải Dương (trước đây) thuê với thời gian từ 2 đến 3 năm.
Dự án này có quy mô hơn 4.400 căn hộ, hiện đã cất nóc 2 tòa, dự kiến hoàn thiện giai đoạn 1 vào cuối 2025, tiếp tục bàn giao giai đoạn 2 trong quý III/2026.
Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 5 dự án nhà ở xã hội đang mở bán và đã được duyệt giá bán, với quy mô 9.217 căn; tại các khu vực gần trung tâm hành chính bắc sông Cấm có 6 dự án nhà ở xã hội chuẩn bị khởi công với tổng số 2.563 căn, dự kiến hoàn thành giai đoạn 2026-2027. Do đó, quỹ nhà ở cho người có nhu cầu thuê, mua khá dồi dào.
Tại Hưng Yên, Sở Xây dựng đã rà soát được 4 khu nhà ở, ký túc xá tổng cộng 297 phòng, sức chứa khoảng 856 người để kịp thời giải quyết nhu cầu nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thái Bình (cũ) sang làm việc.
Ông Lưu Văn Dương, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hưng Yên khẳng định, có 71 phòng có thể sử dụng ngay, số phòng còn lại đang được khẩn trương sửa chữa, lắp đặt thiết bị, bảo đảm điều kiện sinh hoạt cho cán bộ, sẽ hoàn thành trong vài tuần tới.
Tỉnh Đắk Lắk cũng triển khai quyết liệt các phương án bố trí nơi ăn, ở cho cán bộ từ Phú Yên chuyển lên làm việc tại trung tâm hành chính mới. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lê Hùng, tỉnh đã lên phương án cải tạo 5 cơ sở nhà ở hiện có và huy động thêm ký túc xá các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Tuy nhiên, do thủ tục đấu thầu nên dự kiến đến giữa tháng 8, đầu tháng 9 mới hoàn thành.
Trước mắt, tỉnh đã bố trí hơn 220 cán bộ vào ở tạm tại các nhà khách, khách sạn, trường chính trị để ổn định công tác. Tỉnh đang xây dựng chính sách hỗ trợ ban đầu 2 triệu đồng/người, hỗ trợ tiền thuê nhà 3 triệu đồng, tiền xe đi lại 2 triệu đồng/người/tháng trong 12 tháng kể từ khi nhận công tác.
Về lâu dài, tỉnh sẽ khởi công dự án nhà ở xã hội khoảng 1.200 căn cuối năm 2025 để đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho cán bộ, công chức, viên chức.
Tại Cà Mau, trong hơn 5.600 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, có hơn 1.900 người từ Bạc Liêu (cũ) chuyển xuống. Tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ cho các cán bộ từ Bạc Liêu về Cà Mau làm việc hơn 2,2 triệu đồng/người/tháng trong 2 năm. Trong số này, có 1,2 triệu đồng chi phí tiền thuê nhà; 520.000 đồng hỗ trợ chi phí đi lại và 500.000 đồng hỗ trợ chi phí sinh hoạt.
Bà Trịnh Khánh Ngọc, Chi Cục trưởng Bảo vệ Môi trường tỉnh Cà Mau chia sẻ, tuy phải di chuyển hơn 60km mỗi ngày và cuộc sống gia đình có chút xáo trộn, nhưng sự động viên của lãnh đạo sở và chính sách hỗ trợ thiết thực đã tiếp thêm động lực để bà và đồng nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Có thể thấy, việc bảo đảm nơi ăn, chốn ở, phương tiện đi lại cho cán bộ sau sáp nhập đang được các tỉnh, thành phố thực hiện khẩn trương, bài bản, với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt. Đây là yếu tố quan trọng tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức yên tâm công tác, để chính quyền các địa phương nhanh chóng ổn định bộ máy, phục vụ tốt người dân, phát triển kinh tế xã hội
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-dam-cho-o-di-lai-cho-can-bo-cong-chuc-xa-nha-post893384.html