Gỡ 'điểm nghẽn môi trường' - Vai trò đồng thuận xã hội
Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký được ban hành ngày 12/7/2025 là nhằm thiết lập trật tự, kỷ cương về môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững, tạo tiền đề đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.

Người dân Hà Nội di chuyển trên đường trong điều kiện tầm nhìn bị hạn chế do ô nhiễm không khí. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN
Để quyết sách này đi vào cuộc sống thì một điều hết sức quan trọng là cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng thuận và thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân.
Vấn đề cấp bách đòi hỏi hành động quyết liệt
Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường (trong đó có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Luật Bảo vệ môi trường 2020). Nước ta cũng đang hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tiễn, Chỉ thị số 20/CT-TTg chỉ rõ: Tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi còn rất nghiêm trọng, nhất là ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị lớn, ô nhiễm môi trường nước tại các địa bàn tập trung đông dân cư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề... Riêng địa bàn thành phố Hà Nội, mức độ ô nhiễm môi trường không khí tại một số thời điểm trong năm thuộc nhóm cao trên thế giới, các thông số môi trường nước các sông ở nội thành vượt giới hạn cho phép nhiều năm liên tục.
Điểm nổi bật của Chỉ thị số 20/CT-TTg là "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền".
Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương rà soát các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường; đề xuất chỉ đạo tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc về vấn đề ô nhiễm môi trường, giao rõ thời hạn để thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ, không để chậm trễ, kéo dài, lãng phí (hoàn thành trong quý III/2025).
Bộ Xây dựng tập trung thực hiện có lộ trình cụ thể trong năm 2025 và các năm tiếp theo các giải pháp đẩy nhanh xây dựng hệ thống giao thông công cộng, hạn chế sự gia tăng phương tiện giao thông cá nhân ở các đô thị lớn, thúc đẩy sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm soát khí thải đối với xe cơ giới, khẩn trương hoàn thiện, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (thực hiện từ quý III/2025).

Xe gắn máy "hết đát" kéo xe lôi tự chế chở hàng hóa cồng kềnh bị cấm, nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn ngang nhiên hoạt động, gây bức xúc cho người tham gia giao thông. Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc
Đáng chú ý, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo, triển khai ngay một số giải pháp trọng tâm với lộ trình cụ thể: Lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp (trong quý III/2025); đến năm 2030 tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện; lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/1/2028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Tinh thần quyết liệt, khẩn trương, sát sao trong Chỉ thị số 20/CT-TTg thực sự chưa có tiền lệ với mục tiêu rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi và phù hợp với việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và mô hình chính quyền 3 cấp…
Huy động toàn hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc
Bảo vệ môi trường sống, vì sự phát triển bền vững của đất nước cũng như chung tay cùng nhân loại gìn giữ Trái Đất xanh không chỉ là nhiệm vụ của một bộ, ngành, cơ quan, địa phương cụ thể mà đó là nghĩa vụ của các đoàn thể chính trị - xã hội, của mọi công dân Việt Nam.
Chị thị số 20/CT-TTg giao cho các cơ quan truyền thông chủ chốt của đất nước, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam, phát huy thế mạnh của các công nghệ truyền thông mới, mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến để đổi mới về nội dung, hình thức, ưu tiên dành thời lượng hằng ngày, xây dựng chuyên mục hằng tuần trong khung thời gian thuận tiện theo dõi để tuyên truyền các cơ chế, chính sách, pháp luật, công tác thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, các mô hình, kinh nghiệm giải quyết ô nhiễm môi trường trên thế giới và trong nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, sự đồng thuận và thống nhất hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn dân.
Sự đồng thuận toàn xã hội về bảo vệ môi trường là yếu tố then chốt để giải quyết các vấn đề môi trường hiện nay, hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người dân Việt Nam.
Để các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về môi trường đi vào thực tiễn thì không thể bỏ qua vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nổi bật là Mặt trận Tổ quốc, Tổng Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã triển khai Chương trình "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường". Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp các công đoàn ngành, công đoàn địa phương góp phần hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành lập các đội "Tình nguyện viên xanh", tổ chức hội thi về môi trường; xây dựng mô hình nhà tiêu hợp vệ sinh và chuồng trại chăn nuôi kết hợp với hầm khí biogas.
Còn Hội Nông dân Việt Nam thì triển khai các mô hình điểm thu gom, xử lý chất thải, rác thải, trong đó có "Hầm khí sinh học liên hoàn", "Xử lý chất thải làng nghề. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng mô hình "Quỹ quay vòng vốn vệ sinh", "Bếp cải tiến năng lượng"...

Lực lượng chức năng tạm giữ xe cũ nát, không đảm bảo an toàn. Ảnh: Mạnh Linh/Báo Tin tức và Dân tộc
Bên cạnh đó, các đoàn thể chính trị - xã hội còn bảo vệ môi trường thông qua các hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát, tham gia quá trình xây dựng, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Là cầu nối giữa người dân và chính quyền nên các đoàn thể có quyền tham gia giám sát thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước bảo vệ môi trường thiên nhiên; đại diện cho cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư.
Người dân là những đối tượng trực tiếp sử dụng và tác động đến môi trường hằng ngày nên việc nâng cao ý thức và thay đổi hành vi là yếu tố quyết định trong việc bảo vệ môi trường.
Khi được nâng cao nhận thức thông qua tuyên truyền, giáo dục thì người dân sẽ hiểu rõ tầm quan trọng của môi trường và những tác động tiêu cực của sự ô nhiễm, từ đó thay đổi hành vi và thói quen như sử dụng hợp lý tài nguyên - tiết kiệm điện, nước, hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa dùng một lần, phân loại rác thải tại nguồn - vứt rác đúng nơi quy định, tham gia các hoạt động dọn dẹp, thu gom rác thải; bảo vệ rừng và nguồn nước bằng cách không chặt phá rừng, không xả thải bừa bãi ra sông, hồ, ao, kênh, rạch...
Người dân tham gia bảo vệ môi trường bằng việc ưu tiên sử dụng phương tiện công cộng để giảm thiểu khí thải từ phương tiện cá nhân. Đặc biệt, những người sống tại các đô thị lớn, trong đó có Thủ đô, cần thể hiện sự đồng thuận cùng Chính phủ, chính quyền địa phương trong việc chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, vượt qua những bất tiện ban đầu do phải thay đổi thói quen, chấp nhận đầu tư thêm kinh phí vì mục tiêu chung.
Các công dân ở mọi lứa tuổi đều có thể tham gia trồng cây, bảo vệ cây xanh, tạo không gian xanh, sạch, đẹp; chủ động giám sát, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường, kịp thời báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương, khu dân cư, trường học.