Bảo đảm cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn
Sáng 20-5, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, từ khi xây dựng Đề án về Trung tâm tài chính quốc tế và xây dựng dự thảo Nghị quyết này, đã có hơn 10 hội nghị quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Việt Nam (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh), cũng như tại các quốc gia châu Âu mà Chính phủ Việt Nam có quan hệ.
Các hội nghị tư vấn này đã mang đến rất nhiều thông tin bổ ích, giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng được dự thảo Nghị quyết tương đối hoàn chỉnh, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các chuyên gia.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP
Theo dự kiến trong Kỳ họp thứ chín này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua dự thảo Nghị quyết về Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam. Hội nghị hôm nay là hội nghị cuối cùng tham vấn các chuyên gia để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trước khi trình Quốc hội bản chính thức. Nghị quyết được thông qua sẽ là một bước tiến quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng Trung tâm tài chính tại Việt Nam.
"Khi Bộ Chính trị quyết định xây dựng Trung tâm tài chính, chúng tôi đã mang dự thảo sang Anh, Luxembourg và Đức để tham vấn. Các chuyên gia của 3 quốc gia này và một số quốc gia khác tham dự các hội nghị tham vấn chúng tôi tổ chức đều đánh giá đây là một quyết định sáng suốt trong tình hình hiện nay của Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở quan trọng để Việt Nam kết nối với kinh tế toàn cầu và là một giải pháp để bứt phá tăng tốc trong giai đoạn tiếp theo", Phó thủ tướng cho hay.
Để làm được điều đó, Phó thủ tướng Thường trực cho rằng, một trong những điều kiện đặc biệt quan trọng là hành lang pháp lý phải đạt được 3 yêu cầu: Theo chuẩn mực quốc tế; thông thoáng, vượt trội, đủ hấp dẫn nhà đầu tư; kiểm soát được các rủi ro.
Cảm ơn các ý kiến phát biểu quý báu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, những ý kiến không chỉ có tính gợi mở trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, mà còn là những đóng góp rất thiết thực trong quá trình vận hành và phát triển của Trung tâm tài chính quốc tế.
Qua ý kiến phát biểu, các đại biểu đều khẳng định, việc phát triển Trung tâm tài chính quốc tế là quyết định táo bạo của Việt Nam nhưng rất cần thiết, mang tính chiến lược, đột phá. Việt Nam là quốc gia đi sau nhưng hội tụ đầy đủ các yếu tố, điều kiện để phát triển Trung tâm tài chính quốc tế hiện đại.
"Với nền kinh tế hội nhập quốc tế sâu rộng, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, không ngừng được cải thiện; có những chính sách hấp dẫn trong mời gọi, thu hút đầu tư; có tiềm năng lớn về nguồn lực lao động, nếu tận dụng được thời điểm "vàng" và có Trung tâm tài chính quốc tế, đây sẽ là cú hích mạnh đối với nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của Việt Nam, tạo khung pháp lý đột phá, minh bạch", theo Phó thủ tướng Thường trực.
Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình thông tin, quyết định của Bộ Chính trị về chủ trương thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và kế hoạch của Chính phủ triển khai thực hiện chủ trương này đã nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của các chuyên gia, nhà tư vấn, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việt Nam chủ trương phát triển một Trung tâm tài chính quốc tế, nhưng hoạt động ở hai thành phố là Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
"Chính phủ Việt Nam cam kết xây dựng một hành lang pháp lý mang tính đột phá để phát huy tối đa các lợi thế, đồng thời tuân thủ luật pháp cũng như các chuẩn mực quốc tế; khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; bảo đảm các cơ chế chính sách cho Trung tâm tài chính quốc tế mang tính đặc thù, vượt trội, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân; có bước đi phù hợp với năng lực quản lý, quản trị của Việt Nam", Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.