Bảo đảm cung cầu hàng hóa dịp Tết Ất Tỵ

Giáp Tết Âm lịch là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, kéo theo áp lực lên giá và nguồn cung hàng hóa. Để ứng phó với tình hình này, ngành Công Thương và doanh nghiệp (DN) tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường, bảo đảm hàng hóa thiết yếu sẵn có với giá cả hợp lý. Đây không chỉ là nhiệm vụ kinh tế quan trọng mà còn góp phần ổn định đời sống xã hội thời điểm cuối năm.

Nguồn cung dồi dào, giá ổn định

Thời điểm này, khảo sát tại một số chợ, siêu thị trên địa bàn tỉnh như: Chợ Thương (TP Bắc Giang), chợ Nếnh (thị xã Việt Yên); các siêu thị: GO! Bắc Giang, Co.opmart (cùng TP Bắc Giang), Siêu thị The City Lục Nam cho thấy, các nhóm hàng hóa từ lương thực, thực phẩm đến sản phẩm thời trang, đồ gia dụng, đồ điện, điện tử… đều được các DN, tiểu thương dự trữ sẵn với số lượng lớn. Hầu hết các mặt hàng đều không tăng giá và đang trong thời gian khuyến mại.

 Người dân chọn mua sản phẩm tại Siêu thị GO! Bắc Giang.

Người dân chọn mua sản phẩm tại Siêu thị GO! Bắc Giang.

Bà Dương Thị Vân Nga, Giám đốc điều hành Siêu thị GO! Bắc Giang cho biết, Siêu thị hiện có khoảng 25 nghìn mã sản phẩm. Đơn vị đã chuẩn bị lượng hàng hóa phục vụ người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ với khoảng 130 tỷ tiền hàng, tăng 10% so với cùng thời điểm năm ngoái. Theo bà Nga, từ dịp Tết Dương lịch đến nay, lượng hàng hóa bán ra bắt đầu tăng nhẹ. Tuy nhiên, dự báo sẽ không “bùng nổ” như dịp trước dịch Covid-19, bởi người dân còn gặp nhiều khó khăn nên tiết kiệm chi tiêu.

Ông Nguyễn Quang Thông, Giám đốc Điều hành Siêu thị The City Lục Nam cũng thông tin, sức mua tại Siêu thị thời điểm này tăng khoảng 20% so với ngày thường. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán năm nay, doanh thu của Siêu thị tăng khoảng 5%. Hơn 10,2 nghìn mặt hàng của Siêu thị đều bình ổn giá và duy trì hoạt động đến ngày cuối cùng của năm âm lịch 2024.

Còn chị Hoàng Thị Oanh, tiểu thương bán quần áo tại chợ Hòa Bình, xã Liên Chung (Tân Yên) chia sẻ, năm nay ít đợt rét kéo dài, người dân chi tiêu tiết kiệm vì kinh tế khó khăn nên các sản phẩm quần áo ấm chị bán giá ổn định, không tăng như mọi năm.

Qua theo dõi, tổng hợp, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán (tính từ tháng 12/2024 đến tháng 2/2025), ngành Nông nghiệp tỉnh đã sản xuất khoảng 229 nghìn tấn rau, củ, quả; gần 95 nghìn tấn thịt gia súc, gia cầm và thủy sản; 85 nghìn tấn gạo... Các loại nông sản đều tăng từ 5 đến hơn 10% so với cùng kỳ năm 2024. Với sản lượng trên, nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân trong tỉnh.

Các sản phẩm chăn nuôi còn xuất bán, cung ứng cho thị trường các tỉnh, TP lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn. Nhóm hàng thực phẩm chế biến và một số mặt hàng như: Bánh kẹo, hàng công nghệ phẩm, thực phẩm khô, đồ hộp đóng sẵn các loại nguồn cung dồi dào, chủng loại phong phú, mức tăng từ 4-10% . Nhóm mặt hàng xăng dầu, khí đốt cũng được các thương nhân phân phối chủ động xây dựng phương án nguồn cung, ký kết hợp đồng mua bán, tiêu thụ với các đầu mối, duy trì nguồn cung liên tục, ổn định cho hệ thống cửa hàng bán lẻ, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, kinh doanh của DN và người dân.

Chủ động phương án bình ổn thị trường

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp khó lường; biến động chính trị, xung đột quân sự leo thang tại một số quốc gia, khu vực; tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Ở trong nước, trong tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3; thị trường bất động sản phục hồi chậm; một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn gặp khó khăn... nên nhiều DN chưa tổ chức cho công nhân làm tăng ca. Theo đó, thu nhập, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân và lao động bị ảnh hưởng, tác động đến sức mua, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa dịp cuối năm.

Dịp Tết Ất Tỵ, Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị, DN liên quan chủ động cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm bình ổn thị trường, như: Hơn 16,4 nghìn tấn gạo; hơn 12,4 nghìn tấn thịt, rau, củ quả và thực phẩm chế biến; khoảng 21 nghìn tấn bánh kẹo, đồ uống; hơn 3 triệu lít dầu ăn, nước mắm, nước tương; 87 nghìn m3 xăng dầu.

Trước thực tế trên, Sở Công Thương dự báo, dịp Tết Nguyên đán tới, xu hướng người dân tiếp tục thắt chặt chi tiêu, chủ yếu mua sắm các mặt hàng thiết yếu có giá phân khúc trung bình. Các mặt hàng cao cấp, nhập ngoại có xu hướng tiêu thụ giảm. Tuy vậy, theo truyền thống, vào dịp Tết, bà con vẫn dành các khoản tiền để mua sắm các mặt hàng đặc trưng, tập trung nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả, mứt, bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, hàng may mặc, thiết bị điện tử…

Dự báo sức mua hàng hóa dịp Tết này tăng khoảng 2-3% so với Tết Giáp Thìn (đây là mức tăng thấp so với nhiều năm trước). Sức mua tập trung vào những ngày áp Tết và sau Tết (từ mùng 3 đến Rằm tháng Giêng). Dù vậy, Sở Công Thương vẫn có kế hoạch, giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường. Sở phối hợp với các ngành, đơn vị, DN liên quan chủ động cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm bình ổn thị trường như: Hơn 16,4 nghìn tấn gạo các loại; hơn 12,4 nghìn tấn thịt, rau, củ quả và thực phẩm chế biến; khoảng 21 nghìn tấn bánh kẹo, đồ uống; hơn 3 triệu lít dầu ăn, nước mắm, nước tương; 87 nghìn m3 xăng dầu. Đồng thời có kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân 2025.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở sẽ phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm việc chấp hành quy định của pháp luật về ATTP đối với các cơ sở, làng nghề sản xuất, cung ứng thực phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, lễ hội và hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Mục tiêu là hàng hóa phải bảo đảm chất lượng, an toàn, giá cả ổn định. Cùng đó, Sở tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường trong nước gắn với thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Việc bình ổn thị trường cuối năm không chỉ góp phần bảo đảm nguồn cung và giá cả hàng hóa mà còn thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của các cơ quan chức năng và DN đối với đời sống người dân. Với những nỗ lực đồng bộ từ quản lý đến sản xuất và phân phối, người dân có thể yên tâm chuẩn bị đón một mùa xuân trọn vẹn, đầy đủ và ý nghĩa.

Bài, ảnh: Bảo Lâm

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/bao-dam-cung-cau-hang-hoa-dip-tet-at-ty-postid410754.bbg