Bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, chiều 24/6, tại Nhà Quốc hội, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề 'việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng' với 475/480 phiếu tán thành.
Nghị quyết giám sát chuyên đề về “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng” gồm 3 điều.
Theo đó, đánh giá kết quả huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Nghị quyết nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung của Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19/5/2023 của Đoàn giám sát về kết quả giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng với những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu như: Về huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; về thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở và y tế dự phòng.
Trong tổ chức thực hiện, giao Chính phủ chậm nhất năm 2025 hoàn thành việc trình Quốc hội các dự án Luật có liên quan đến lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng, tình trạng khẩn cấp theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm đã được Quốc hội thông qua, Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình Quốc hội các dự án luật khác để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; nghiên cứu xây dựng Đề án thành lập cơ quan Kiểm soát bệnh tật Trung ương; chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các kiến nghị của Đoàn giám sát nêu trong Báo cáo số 455/BC-ĐGS ngày 19/5/2023…
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề “việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”.
Theo bà Nguyễn Thúy Anh, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về thực hiện thống nhất trung tâm y tế cấp huyện trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện; một số ý kiến cho rằng nội dung này thuộc thẩm quyền của Chính phủ, đề nghị giữ mô hình trung tâm y tế huyện trực thuộc Sở Y tế; đánh giá kỹ lưỡng từng mô hình và cần nghiên cứu việc sắp xếp gắn với tổng thể tổ chức bộ máy ngành y tế trước khi quyết định thực hiện thống nhất.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: Quy định như dự thảo là phù hợp với nội dung đã nêu tại Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với Dự thảo và đề nghị cần quy định rõ nội dung này ngay tại Nghị quyết của Quốc hội để có cơ sở thực hiện. Để đảm bảo tính khả thi và có thời gian chuẩn bị, dự thảo Nghị quyết giao Chính phủ có lộ trình và hoàn thành trước ngày 1/7/2025- bà Nguyễn Thúy Anh nói.
Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và Chính phủ, khoản 8 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết đã được chỉnh sửa để thể hiện rõ yêu cầu đảm bảo phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa quản lý toàn diện của chính quyền địa phương với quản lý chuyên môn, nghiệp vụ của ngành y tế nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, hầu hết ý kiến đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định cụ thể tỷ lệ dành 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng và đề nghị có hướng dẫn cụ thể hơn về việc chi cho y tế dự phòng để thực hiện thống nhất; có ý kiến đề nghị không quy định cụ thể tỷ lệ mà chỉ quy định đảm bảo ngân sách cho công tác này.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội khóa XII về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đã xác định “dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho công tác y tế dự phòng”. Kết quả giám sát cho thấy, bên cạnh những địa phương đã thực hiện đúng thì vẫn còn có một số địa phương chưa thực hiện đúng với lý do thiếu hướng dẫn cụ thể.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Nghị quyết đã giao Chính phủ hướng dẫn về phạm vi chi, nội dung chi để bảo đảm dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng tại khoản 9 Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Quy định như vậy sẽ tạo cơ sở để thực hiện thống nhất trong cả nước, nhất quán với các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.