Bảo đảm đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Tại phiên thảo luận tổ chiều nay, 10.11, ĐBQH các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo đó, ý kiến các đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, xem xét số đại biểu HĐND của thành phố sao cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương...

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 6

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 6

Đa số các đại biểu đều nhất trí việc sửa đổi Luật Thủ đô để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo Nghị quyết số 15-NQ/TW, Nghị quyết số 06-NQ/TW, Nghị quyết số 30-NO/TW nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội - “Văn hiến - văn minh - hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Đại biểu Tráng A Dương (Hà Giang) đồng tình với việc tăng số lượng đại biểu HĐND thành phố như ở khoản 2 Điều 9 Dự thảo Luật quy định: "HĐND TP. Hà Nội được bầu 125 đại biểu, trong đó có ít nhất 25% số đại biểu hoạt động chuyên trách”. Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét số đại biểu HĐND của thành phố sao cho phù hợp với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Tại Khoản 3, Điều 9 quy định: “Thường trực HĐND TP. Hà Nội gồm Chủ tịch HĐND, không quá 3 Phó Chủ tịch HĐND và các ủy viên là Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP. Hà Nội, Trưởng các ban HĐND thành phố". Trong khi đó, tại Điều 39 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) có quy định: “Thường trực HĐND thành phố trực thuộc Trung ương gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, các Ủy viên là Trưởng ban HĐND thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc Trung ương là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND thành phố trực thuộc Trung ương là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì có 2 Phó Chủ tịch HĐND".

Do đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, chỉnh sửa lại quy định nêu trên để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Liên quan đến chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, một số ý kiến đề nghị bổ sung thêm đối tượng “phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT” vào điểm a khoản 3 Điều 28. Việc bổ sung này sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Bởi hiện nay, TP. Hà Nội có gần 108.000 người dân tộc thiểu số, với 50 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 1,3% dân số toàn thành phố.

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi), các đại biểu cho rằng: Dự thảo Luật lần này không có quy định về đối tượng áp dụng, trong khi Luật Lưu trữ hiện hành có khoản 2 Điều 1 quy định về đối tượng áp dụng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung thêm một khoản vào Điều 1 của dự thảo Luật, quy định về “đối tượng áp dụng” nhằm xác định rõ các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện các quy định của Luật này, bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch trong thực hiện pháp luật.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) cho ý kiến vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Đại biểu Phạm Thúy Chinh (Hà Giang) cho ý kiến vào dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi)

Đối với quy định về cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ là giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ như tại khoản 1 Điều 57 là chưa rõ ràng. Một số đại biểu đặt vấn đề, cơ quan nhà nước có thẩm quyền là cơ quan nào, cấp bộ hay cấp dưới bộ. Và cá nhân có thẩm quyền có được cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ hay không. Vì thực tế, việc cấp chứng chỉ hành nghề/giấy phép trong các lĩnh vực khác thì Luật đã quy định rất cụ thể cơ quan, cá nhân có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề hoặc cấp giấy phép (Ví dụ như Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá).

Đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đại biểu Quản Minh Cường (Đồng Nai) cho ý kiến vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Do đó, đề nghị bổ sung và quy định rõ trong Luật: Cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề lưu trữ để tạo thuận lợi cho việc thực hiện khi Luật sửa đổi có hiệu lực là thực hiện được ngay.

Trọng Hiếu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/bao-dam-dong-bo-voi-luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-i349588/