Bảo đảm đúng đối tượng thụ hưởng

Sau khi được chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện có 15 chương và 264 điều, các quy định cơ bản đã thể chế hóa được Nghị quyết số 18-NQ/TW nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát quy định cụ thể về người được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp để bảo đảm đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp“là cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó”. Tuy nhiên, ở lần sửa đổi này, dự thảo Luật chỉnh sửa về căn cứ xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, theo đó bổ sung tiêu chí về “không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác”.

Nội dung này tại dự thảo Luật cũng là nội dung mới so với quy định của văn bản dưới luật hiện hành, loại trừ cả đối tượng không hưởng lương thường xuyên, nhưng cũng có phần mở rộng hơn so với quy định hiện hành, bao gồm cả đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội. Bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết Nghị định số 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ, căn cứ xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bao gồm: Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận; không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội; có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng.

Liên quan đến vấn đề này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 119, cá nhân được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa theo quy định tại Điều 45 và người được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo quy định tại Điều 109 của dự thảo Luật bằng một thuật ngữ chung là “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” là chưa hợp lý.

Lý giải về nhận định này, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, chính sách cho giao đất nông nghiệp, cho phép nhận chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa và chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm có mục tiêu chính sách khác nhau. Do đó, dự thảo Luật cần được chỉnh sửa theo hướng: giữ khái niệm được quy định tại Luật Đất đai năm 2013, theo đó, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp là cá nhân đã được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

Việc sửa đổi thuật ngữ cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp có tác động đến quy định giao đất nông nghiệp cho người dân, việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa và việc hỗ trợ chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Trong giai đoạn trước đây, việc giao đất nông nghiệp cho nhân khẩu nông nghiệp thường trú tại địa phương được thực hiện theo Nghị định số 64-CP ngày 27.9.1993 là những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không hoạt động trong ngành nghề khác.

Thực tế cho thấy, hiện nay, hoạt động sản xuất nông nghiệp đã có sự đổi mới, hướng tới sản xuất theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ mới, khi có điều kiện có thể sản xuất theo quy mô lớn. Cuộc sống của người dân cũng có nhiều biến chuyển, đa nghề, chuyển đổi nghề nghiệp linh hoạt hơn. Do đó, cần rà soát, quy định cụ thể tại từng điều, khoản trong dự thảo Luật về cá nhân được giao đất nông nghiệp không thu tiền, cá nhân được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa theo hướng tạo thuận lợi cho việc khai thác hiệu quả đất trồng lúa. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về người được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, bảo đảm đúng đối tượng được hưởng chính sách.

Lê Hùng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/bao-dam-dung-doi-tuong-thu-huong-i344899/