Bảo đảm đúng người, đúng đối tượng

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa công bố kết quả 2 cuộc thanh tra quy mô lớn, tính đến ngày 31.12.2023, kết quả thanh tra, kiểm tra, rà soát hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên toàn quốc đã phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi. Đây là hiện tượng cần được chấn chỉnh kịp thời để những người có công thực sự được hưởng các chế độ chính sách phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm hỏi các thương, bệnh binh trong buổi tiếp công dân.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thăm hỏi các thương, bệnh binh trong buổi tiếp công dân.

24.590 trường hợp hưởng sai chế độ người có công

Báo cáo của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tính đến ngày 31.12.2023 cho thấy, kết quả thanh tra, kiểm tra hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng trên toàn quốc đã phát hiện 24.590 trường hợp hưởng sai chế độ ưu đãi, đã yêu cầu nộp trả ngân sách nhà nước số tiền trên 2.400 tỷ đồng. Trong đó, 5.397 đối tượng thuộc diện khai man, giả mạo tài liệu để lập hồ sơ hưởng chế độ.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tiến hành 3 cuộc thanh tra chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; việc quản lý, sử dụng kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng và kinh phí mộ liệt sĩ, nghĩa trang tại các tỉnh Yên Bái, Hưng Yên và Phú Yên.

 Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà người có công, gia đình chính sách tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tống Giáp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm và tặng quà người có công, gia đình chính sách tại tỉnh Yên Bái. Ảnh: Tống Giáp

Qua kiểm tra 5.129 hồ sơ và xác minh trực tiếp đối tượng, cơ quan thanh tra kiến nghị chấm dứt trợ cấp và nộp ngân sách nhà nước hơn 36 tỷ đồng đối với 229 trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ; kiến nghị xác minh đối với một số trường hợp nghi vấn không bị dị dạng, dị tật, có khả năng lao động; phát hiện nhiều trường hợp sai sót về chuyên môn khám, giám định y khoa...

Được biết, theo số liệu của Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cuộc thanh tra lớn đầu tiên được tiến hành trước năm 2015 với sự tham gia phối hợp của Bộ Quốc phòng. Các hồ sơ chủ yếu của giai đoạn đầu thanh tra là hồ sơ thương binh do cơ quan quân đội xác lập từ năm 1998 đến năm 2013, số lượng 66.014 hồ sơ. Sau khi kết thúc cuộc thanh tra này vào năm 2018, Thanh tra Bộ tiếp tục phối hợp với các địa phương thanh tra, rà soát 320.000 hồ sơ hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và hồ sơ hưởng chế độ con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc chấm dứt trợ cấp đối với 24.950 đối tượng hưởng sai chế độ đã giảm chi ngân sách nhà nước mỗi năm ước tính trên 400 tỷ đồng. Kết quả thanh tra đã xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những trường hợp khai man, giả mạo tài liệu để hưởng chế độ hoặc chứng nhận sai sự thật cho người khác hưởng chế độ ưu đãi, góp phần thực hiện chính sách ưu đãi đúng người, đúng đối tượng thụ hưởng theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm chặt chẽ và minh bạch

Trong buổi tiếp công dân mới nhất, tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các nội dung thanh tra; trong đó có thanh tra lĩnh vực người có công với cách mạng theo kế hoạch và giám sát hoạt động thanh tra; theo dõi, đôn đốc các đối tượng đã thanh tra thực hiện nghiêm kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra để bảo đảm hiệu quả của công tác thanh tra.

Buổi tiếp xúc công dân cũng lắng nghe nhiều ý kiến về rà soát các điều kiện của thương binh được hưởng thêm chế độ bệnh binh. Điển hình như trường hợp của ông Nguyễn Minh Liên (tỉnh Bắc Ninh) chia sẻ và bày tỏ mong muốn, được tham gia giám định y khoa, xác định thương tật để có thể hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Trong quá khứ, ông Liên từng tham gia các chiến trường Quảng Trị, mặt trận B5 và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước; tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, bản thân ông Nguyễn Minh Liên thường xuyên phải điều trị các di chứng của chiến tranh và có liên quan tới phơi nhiễm chất độc hóa học khi tham gia chiến đấu.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã giao Thanh tra Bộ và Cục Người có công hướng dẫn công dân về quy trình giám định y khoa cũng như các quy trình để công dân được hưởng chế độ cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bộ trưởng chỉ đạo, các đơn vị thuộc Bộ cần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ nhằm giải quyết dứt điểm các ý kiến, kiến nghị và thắc mắc của công dân trên tinh thần công khai, minh bạch và không để công dân phải đi lại nhiều. Đối với các vấn đề không thuộc thẩm quyền quản lý, Bộ sẽ có văn bản gửi các đơn vị liên quan xem xét xử lý, giải quyết.

Theo các chuyên gia, công tác xác nhận người có công với cách mạng là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm nên cần thực hiện đúng quy định của pháp luật với quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch, nhằm ngăn ngừa tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ trợ cấp và danh hiệu Nhà nước tôn vinh. Theo đó, việc giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động bí mật, đơn tuyến, ngoại tuyến lại càng khó khăn, phức tạp hơn do không có hoặc không còn căn cứ chứng minh tham gia cách mạng.

Vì vậy, khi xem xét các trường hợp tham gia hoạt động cách mạng bí mật, đơn tuyến, ngoại tuyến, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có quan điểm không đề xuất chính sách chung, không giải quyết đồng loạt các trường hợp mà căn cứ quy định hiện hành để xem xét từng hồ sơ, từng trường hợp trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá thận trọng tài liệu, tận dụng mọi nguồn thông tin để công nhận đúng người.

Năm 2024, ngành lao động tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19.7.2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; đẩy mạnh công tác xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ về người có công. Bên cạnh đó, triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng, các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", "Xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công"...

Tùng Dương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-dung-nguoi-dung-doi-tuong-post390378.html