Hỗ trợ, động viên cán bộ, công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp

Theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của tỉnh Khánh Hòa, dự kiến có 12 xã, phường thực hiện sắp xếp để thành lập 5 đơn vị hành chính cấp xã mới, qua đó sẽ giảm 7 đơn vị hành chính cấp xã. Sau sắp xếp, dự kiến toàn tỉnh còn 132 đơn vị hành chính cấp xã. Với tính chất thời gian và tiến độ khẩn trương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị trong năm 2024 nhằm đảm bảo lộ trình đến cuối năm 2024, trên địa bàn toàn tỉnh cơ bản hoàn thành xong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đồng thời, khuyến khích các địa phương tuy không thuộc diện phải sắp xếp nhưng sẽ đề xuất thực hiện để phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch nông thôn và quy hoạch đô thị; góp phần giảm số lượng đơn vị hành chính; tinh gọn bộ máy, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã theo quy định.

Tuy nhiên, việc sắp xếp các đơn vị hành chính hiện nay là một vấn đề hết sức phức tạp và nhạy cảm, ảnh hưởng đến nhiều vấn đề, trong đó có việc sắp xếp, tinh gọn lại tổ chức bộ máy, biên chế của các đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp. Việc này có tác động trực tiếp đến tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đang công tác; dễ gây tâm lý không tốt, ảnh hưởng tới hiệu quả chung của công việc. Chính vì vậy, để triển khai hiệu quả các quy định của Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tại kỳ họp mới đây, HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Theo đó, đối tượng áp dụng là cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh nghỉ công tác trong thời gian 12 tháng kể từ khi có quyết định sắp xếp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Những trường hợp này khi nghỉ công tác ngoài hưởng các chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành còn được trợ cấp 3 tháng tiền lương/mức phụ cấp hiện hưởng để tìm việc làm; được trợ cấp 1,5 tháng tiền lương/mức phụ cấp bình quân cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Trường hợp đang hưởng chế độ hưu trí thì không quy định thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Riêng đối với cán bộ cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng đang hưởng chế độ hưu trí hàng tháng, nhưng tại thời điểm có quyết định sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang công tác tại các vị trí cán bộ cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định thì được hưởng 50% mức trợ cấp quy định nêu trên. Dự kiến, số lượng cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư của các địa phương tối đa 66 người; kinh phí thực hiện chính sách gần 6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.

Đây là chính sách đặc thù của tỉnh, thể hiện sự quan tâm hỗ trợ, động viên thêm đối với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư buộc phải nghỉ việc do sắp xếp đơn vị hành chính để tìm kiếm việc làm mới, ổn định cuộc sống, đảm bảo được sự đồng thuận của nhân dân và dư luận xã hội trong việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

NAM DU

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202409/ho-tro-dong-vien-can-bo-cong-chuc-cap-xa-doi-du-sau-sap-xep-c926ac8/