Bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả bảo hộ, khai thác và bảo vệ tài sản trí tuệ

Chiều nay, 26.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Luật hiện hành đã phát huy vai trò to lớn

Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi Luật. Qua 16 năm thi hành, Luật Sở hữu trí tuệ đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo hành lang pháp lý cho hoạt động sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan; xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; góp phần khuyến khích hoạt động sáng tạo; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài; qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ

Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Huy cũng đề nghị sửa đổi một số Quy định về quyền đăng ký nhãn hiệu tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ cho phù hợp hơn, cụ thể:

Theo quy định tại khoản 2, Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó”. Quy định như trên về quyền đăng ký nhãn hiệu của tổ chức hoạt động thương mại là chưa hợp lý, chưa rõ ràng, vì chỉ xét đến nhãn hiệu của nhà sản xuất mà không tính đến trường hợp tổ chức thương mại đăng ký nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu của nhà sản xuất. Trên thực tế công ty thương mại có thể đặt sản xuất sản phẩm cho mình và sản phẩm đó mang nhãn hiệu riêng của công ty thương mại, do vậy, quyền đăng ký nhãn hiệu này thuộc về công ty thương mại mà không cần phải có sự khước từ quyền đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất. Trường hợp công ty thương mại nộp đơn đăng ký nhãn hiệu của nhà sản xuất thì phải được điều chỉnh bằng quy định về nộp đơn không trung thực theo khoản 3 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 87 thành: “Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm”.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 87 của Luật Sở hữu trí tuệ: “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận…”. Với quy định này, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được cho là đáp ứng điều kiện để đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương vì có trong tay bộ máy với đầy đủ các cơ quan chuyên môn có khả năng kiểm soát, chứng nhận các đặc tính, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ. Tuy nhiên, trên thực tế đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập liên quan đến việc phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ của UBND với quyền sở hữu, quản lý nhãn hiệu chứng nhận mà UBND là chủ sở hữu vì UBND cùng một lúc giữ hai vai trò quản lý nhà nước và chủ sở hữu quản lý tài sản. Tất cả các vấn đề này cần được thống nhất cách hiểu và áp dụng pháp luật giữa các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là giữa Bộ Tư pháp với Bộ Khoa học và Công nghệ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để bảo đảm quyền lợi cho các chủ thể sản xuất các đặc sản địa phương, tăng cường bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam. Do đó đề nghị sửa đổi khoản 4 Điều 87 thành: “Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ không phải là UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa dịch vụ đó”.

Khánh Duy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-hanh-lang-phap-ly-day-du-hieu-qua-bao-ho-khai-thac-va-bao-ve-tai-san-tri-tue-bhh5ccelxl-65212