Bảo đảm lợi ích đôi bên khi xây dựng thuế tối thiểu toàn cầu
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, Việt Nam đang có chính sách tạo môi trường đầu tư thuận lợi, được các nhà đầu tư đánh giá rất cao. Vì vậy, khi triển khai xây dựng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, cần lựa chọn các phương thức vừa bảo đảm lợi ích của Việt Nam - nước nhận đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư theo phương châm của Chính phủ là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
PV: Năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty lớn, vậy nếu Việt Nam chậm ban hành cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu thì sẽ chịu những ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các công ty có doanh thu 750 triệu Euro trở lên sẽ giúp các nước không còn phải áp dụng các giải pháp để chống chuyển giá. Vì thuế tối thiểu toàn cầu ngăn chặn cơ bản các công ty đa quốc gia (TNCs) không thể lợi dụng các “thiên đường thuế” để trốn thuế, chuyển giá, mà sẽ phân bổ khoảng 220 tỷ USD tiền thuế về các nước nhận đầu tư, trong đó các nước đang phát triển được hưởng hơn 110 tỷ USD.
Do đó, câu chuyện của Việt Nam cần là có giải pháp thế nào? Không chỉ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương quan tâm, đặc biệt các TNCs ở Việt Nam rất quan tâm. Việt Nam có hơn 26.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, trong đó có khoảng hơn 200 doanh nghiệp có doanh thu 750 triệu Euro. Hầu hết các doanh nghiệp này đang hưởng ưu đãi thuế do Việt Nam ban hành thấp hơn thuế tối thiểu toàn cầu.
Năm 2024, khi EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, nếu Việt Nam chưa thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì nước TNCs đặt trụ sở chính sẽ được hưởng khoản thuế chênh lệch trên. Theo tôi, hơn 200 doanh nghiệp FDI này mỗi năm nước ta mất khoảng vài tỷ USD tiền thuế nếu chậm áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, đây là thiệt hại về mặt tài chính. Nhưng nghiêm trọng hơn thiệt hại về môi trường đầu tư. Việt Nam được các TNCs rất quan tâm đầu tư, các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư do chúng ta có môi trường chính trị ổn định, môi trường kinh tế ổn định, đàm phán thấp, Chính phủ kiên quyết cải cách hành chính, chống tham nhũng.
Tuy nhiên, nếu Việt Nam chưa ban hành cơ chế thực hiện thuế tối thiểu toàn cầu thì chúng ta bị mất một khoản thuế, trong đó các nhà đầu tư cũng được hưởng một phần. Do vậy, các nhà đầu tư phải cân nhắc có nên ở lại Việt Nam hay chuyển đi, đồng thời các nhà đầu tư sắp vào Việt Nam cũng cân nhắc đưa sang Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ… nơi các nước đã có cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, hay ở lại Việt Nam, như vậy môi trường đầu tư của Việt Nam giảm hấp dẫn đi rất nhiều, đấy chỉ là 2 tác động trực tiếp, chứ chưa nói đến các tác động gián tiếp.
PV: Theo ông, Việt Nam cần triển khai nghiên cứu đạo luật này như thế nào để sớm đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tiễn?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Năm 2022, khi tình hình dịch Covid-19 ổn định, Chính phủ đã bắt đầu cho nghiên cứu về quy tắc thuế mới này. Hiện Việt Nam đang làm một cách thận trọng, vì việc này liên quan đến các nhà đầu tư lớn. Chính phủ muốn tham vấn ý kiến của nhà đầu tư, cũng như ý kiến của những nước, lãnh thổ đầu tư nhiều vào Việt Nam như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Singapore...
Nếu Chính phủ có thể trình Quốc hội sửa các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế vào tháng 10/2023 thì đầu năm 2024 có thể thực hiện được. Nếu không kịp, Quốc hội có thể ra nghị quyết cho Chính phủ ban hành các quy định dưới luật để thực hiện. Như vậy, vừa giải quyết được 2 vấn đề là thương lượng với nhà đầu tư để chia sẻ lợi ích, vừa làm cho môi trường đầu tư của chúng ta được thuận lợi hơn, cộng thêm giải quyết được cơ chế toàn cầu, rất phù hợp với cả thế giới, rất tốt cho đầu tư nước ngoài.
Phối hợp giữa các nhóm ASEAN về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng, cần phải có hoạt động rất tích cực của tổ công tác do Chính phủ thành lập, làm việc chuyên nghiệp, tập trung, mời thêm các chuyên gia am hiểu về tư vấn thuế; các tổ chức quốc tế ủng hộ Việt Nam… và các công ty đa quốc gia đầu tư ở Việt Nam tham gia. Đồng thời, Việt Nam với tư cách là một nước có vị thế, có tiếng nói ở ASEAN, với nghiên cứu của từng nước, chúng ta cần có một cơ chế phối hợp giữa các nhóm ASEAN về áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
PV: Khi Việt Nam tham gia thuế tối thiểu toàn cầu, bên cạnh những thách thức, sẽ có những cơ hội gì mới, thưa ông?
GS.TSKH Nguyễn Mại: Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị cũng đã quyết định không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn đầu tư bằng cách thu hút nhiều TNCs trong Top 500 thế giới do Forbes đánh giá vào để thực hiện các dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại… thiết lập các "đại bản doanh" ở Việt Nam. Vì vậy, nếu chúng ta giải quyết thuế tối thiểu toàn cầu tốt, thì câu chuyện đấy là thành công.
Tôi cho rằng đây cũng là một cơ hội lớn, vì có thời điểm Việt Nam đứng thứ 18 trên thế giới về nhận đầu tư, tôi tin năm nay thứ bậc sẽ cao hơn vì chúng ta đang có các dự án lớn từ Mỹ, châu Âu về năng lượng tái tạo, công nghệ số...
Đồng thời, nếu có cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu, chúng ta yên tâm là không mất đi những cái mà chúng ta trước đây không nhận được. Hơn nữa, nếu có một cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tốt nhất trên cơ sở học hỏi từ các nước, cộng với những lợi thế mà hiện nay các nhà đầu tư cho rằng chỉ Việt Nam mới có như ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát tốt, thị trường 100 triệu dân, thì rõ ràng đó lại là một cơ hội lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có một thị trường thế giới rất tốt nhờ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký, tất cả các yếu tố thuộc về lợi thế sẽ được nhân lên.
PV: Xin cảm ơn ông!