Bảo đảm lưu thông an toàn trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Từ khi đưa vào khai thác chính thức đến nay, tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) đã phục vụ hàng chục nghìn lượt phương tiện mỗi ngày, góp phần giảm áp lực giao thông cho tuyến Quốc lộ 1. Tuy nhiên, quá trình vận hành đã phát sinh một số bất cập, cần được nhanh chóng khắc phục để bảo đảm an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông.

Tính từ ngày 30-4 đến nay, tổng lưu lượng xe lưu thông trên tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận khoảng 800.000 lượt (trung bình khoảng 23.000 lượt xe/ngày đêm). Tuyến đường huyết mạch quan trọng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã góp phần giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 kéo dài nhiều năm nay, đẩy nhanh kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội các địa phương trong vùng. Tập đoàn Đèo Cả, đơn vị quản lý vận hành dự án Trung Lương-Mỹ Thuận đã bố trí hơn 100 nhân sự có kinh nghiệm chuyên môn, huy động các xe cứu thương, xe chữa cháy, xe cứu hộ cứu nạn... để bảo đảm an toàn khai thác. Đơn vị cũng phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vụ va chạm giao thông; cứu hộ 225 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp hơn 500 cuộc gọi qua đường dây nóng.

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đón lượng phương tiện tăng cao từ khi đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: BẢO LINH

Cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận đón lượng phương tiện tăng cao từ khi đưa vào vận hành chính thức. Ảnh: BẢO LINH

Hiện nay, dự án mới hoàn thành giai đoạn 1, chưa có làn dừng khẩn cấp mà chỉ bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp. Toàn tuyến có 11 điểm dừng khẩn cấp ở hai bên với khoảng cách trung bình giữa các điểm là 10km, 5 điểm dừng bên trái tuyến và 6 điểm dừng bên phải tuyến. Điều kiện hạ tầng này dẫn đến một số khó khăn cho công tác cứu nạn, cứu hộ, xử lý nhanh và kịp thời các sự cố ở mọi vị trí theo thời gian quy định. Bên cạnh đó, cao tốc TP Hồ Chí Minh-Trung Lương (dài 49,6km) và Trung Lương-Mỹ Thuận (dài 51,5km) hiện chỉ có một trạm dừng nghỉ. Việc chưa được bố trí đủ các trạm dừng nghỉ trên tuyến ảnh hưởng đến phương tiện và người tham gia giao thông khi cần dừng kiểm tra kỹ thuật, tiếp nhiên liệu, nghỉ ngơi.

Với lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến gia tăng như hiện nay, việc bổ sung các điều kiện an toàn là yêu cầu cấp thiết. Theo đơn vị khai thác, vận hành dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, cơ quan chức năng cần tổ chức kiểm tra, đánh giá thực trạng liên quan đến phân kỳ đầu tư dự án, làm cơ sở để xem xét điều chỉnh quy trình vận hành khai thác. Đồng thời, bổ sung ngay các điểm dừng cứu hộ cứu nạn, kiểm tra kỹ thuật, đáp ứng quy mô theo chuẩn đường cao tốc để xử lý sự cố phương tiện hư hỏng, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, cần sớm có kế hoạch triển khai giai đoạn 2 để hoàn thiện tuyến đường này. Vì nhiều lý do, thời gian thi công dự án kéo dài hơn 10 năm, do vậy, dù mới đưa vào khai thác nhưng lưu lượng trung bình hiện đã gần chạm mức mãn tải. Việc đầu tư hoàn chỉnh tuyến đường này sẽ giúp đáp ứng được tốc độ tăng trưởng lưu lượng phương tiện và bảo đảm quy mô kết nối với các tuyến cao tốc trong khu vực. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền về quy định của pháp luật, tăng cường ý thức tham gia giao thông, nhất là về khoảng cách, tốc độ cho phép của phương tiện, hướng tới xây dựng môi trường giao thông an toàn.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/bao-dam-luu-thong-an-toan-tren-cao-toc-trung-luong-my-thuan-697589