Bảo đảm môi trường trực tuyến an toàn

Những năm gần đây, mạng xã hội đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày của hầu hết người dân Malaysia, với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet ngày càng tăng. Tuy nhiên, do phải đối mặt với sự gia tăng các vụ lừa đảo trên mạng, việc siết chặt quản lý không gian mạng đang là một trong những ưu tiên của Chính phủ Malaysia.

Quản lý Internet tạo môi trường mạng lành mạnh tại Malaysia. Ảnh: Harian Metro

Quản lý Internet tạo môi trường mạng lành mạnh tại Malaysia. Ảnh: Harian Metro

Theo Malay Mail, kể từ ngày 1-8, các mạng xã hội hoạt động tại Malaysia sẽ phải xin giấy phép hoạt động nếu có hơn 8 triệu người dùng trong nước. Đây là nỗ lực mới nhất nhằm hướng dẫn trẻ em và gia đình sử dụng Internet an toàn trước tình trạng tội phạm mạng liên tục gia tăng thời gian qua. Các nền tảng này gồm mạng xã hội như: Facebook, X và TikTok, cũng như các dịch vụ nhắn tin như WhatsApp.

Theo Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC), biện pháp này sẽ tạo ra một hệ sinh thái trực tuyến an toàn hơn và trải nghiệm người dùng tốt hơn, đặc biệt là đối với trẻ em và gia đình, giúp trẻ em tương tác lành mạnh trên không gian mạng. Việc siết chặt quản lý phù hợp với quyết định của nội các nhằm đảm bảo các dịch vụ truyền thông xã hội và nhắn tin trên Internet tuân thủ luật pháp Malaysia, đồng thời giải quyết tình trạng tội phạm mạng, bao gồm lừa đảo qua mạng, bắt nạt qua mạng và tội phạm tình dục đối với trẻ em.

Tuyên bố MCMC nêu rõ quy định chỉ áp dụng cho các nền tảng đáp ứng các yêu cầu để cấp phép và không ảnh hưởng đến người dùng cá nhân. Mục tiêu chính của các quy định cấp phép là yêu cầu các nền tảng tăng cường kiểm duyệt nội dung, đặc biệt là về mặt hiểu ngôn ngữ và bối cảnh địa phương, cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần nâng cao nhận thức xã hội và tạo lập một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Mặc dù Malaysia đã có luật để giải quyết các tác hại trực tuyến khác nhau nhưng lại không được áp dụng cho những bên hoạt động ở nước ngoài. Theo quy định mới, cơ chế kill switch (tự động tắt mạng) sẽ được áp dụng để gỡ bỏ nội dung xấu, độc. Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực trực tuyến cần lập pháp nhân tại Malaysia để chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm. Đồng thời, quy trình kiểm duyệt nội dung của các trang mạng xã hội và nền tảng thương mại điện tử sẽ được kiểm tra thường xuyên.

MCMC cảnh báo việc không xin được giấy phép sẽ cấu thành hành vi phạm tội, có thể bị xử lý theo Đạo luật Truyền thông và đa phương tiện. Trước đây, các nền tảng truyền thông xã hội và dịch vụ nhắn tin Internet được miễn các yêu cầu cấp phép dựa trên Sắc lệnh Truyền thông và Đa phương tiện năm 2000.

Thời gian gần đây, Malaysia phải vật lộn với sự gia tăng nội dung có hại khi MCMC nhận được hơn 3.400 khiếu nại về ngôn từ kích động thù địch từ năm 2020 đến năm 2023. Trong năm 2022, cảnh sát Malaysia báo cáo các vụ lừa đảo trực tuyến gây hại 2,5 tỷ ringgit (hơn 534 triệu USD). Bộ Truyền thông Malaysia cho biết, trong nửa đầu năm 2024, thiệt hại từ các vụ lừa đảo trực tuyến, chỉ riêng trên Facebook là từ 8 triệu ringgit (1,7 triệu USD) đến 132 triệu ringgit (28,4 triệu USD). MCMC cũng cho biết, hơn 70% yêu cầu gỡ bỏ nội dung của Chính phủ Malaysia trong những năm gần đây đều có liên quan đến lừa đảo và cờ bạc trực tuyến.

PHƯƠNG NAM

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bao-dam-moi-truong-truc-tuyen-an-toan-post751604.html