Bảo đảm nguồn cung xăng dầu tại đồng bằng sông Cửu Long

Hiện nay, nhu cầu sử dụng xăng dầu của doanh nghiệp và người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang tăng cao. Những ngày gần đây liên tục xảy ra tình trạng nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu ngưng hoạt động, nguồn cung nhiên liệu này trở nên khan hiếm, khiến người dân lo lắng.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng xăng dầu tại tỉnh An Giang.

Lực lượng chức năng kiểm tra một cửa hàng xăng dầu tại tỉnh An Giang.

Trước tình hình đó, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo ngành chức năng chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu, bảo đảm nguồn cung nguyên liệu này cho doanh nghiệp và người dân.

Nguồn cung giảm gây nhiều khó khăn

Sáng 5/9, ông Lê Quốc Đạt, ngụ xã Đông Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang cho biết, ông có 38 công lúa, đến nay mới thu hoạch được 8 công, còn lại 30 công đang bước vào vụ chín rộ nhưng chưa thu hoạch được. "Hôm trước tôi đã ký hợp đồng với thương lái thu mua 8 công lúa, tôi phải vét hết dầu từ các phương tiện khác để chạy máy gặt. Hôm nay không còn dầu, nên giờ diện tích lúa còn lại không biết phải xử lý ra sao?", ông Đạt thở dài.

Không riêng gì ông Đạt mà nhiều người dân trên địa bàn các xã Đông Yên, Đông Thái, Hưng Yên thuộc huyện An Biên cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Một số chủ máy gặt cho biết, họ rất khó mua nhiên liệu. "Tôi chở hàng chục vỏ can dầu đi mua nhưng các cửa hàng đều thông báo hết dầu, đành báo với người dân là ngưng cắt lúa trong ngày. Không mua được dầu thì lịch cắt lúa sẽ dồn ứ rất nhiều", ông Lê Việt Tân, chủ một máy gặt ở xã Đông Yên chia sẻ.

Hiện nay nguồn cung xăng dầu, đặc biệt là dầu DO rất hạn chế. Mức chiết khấu xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ không bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh phục vụ sản xuất, tiêu dùng trong thời gian tới. Hiện các thương nhân phân phối nguồn hàng chỉ bảo đảm cung ứng trong hệ thống theo tiến độ được từ ba đến năm ngày.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Văn Hoàng

Những ngày này, các doanh nghiệp tại Sóc Trăng đang đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, người dân bước vào thu hoạch nông sản vụ mùa hè thu, ngư dân vào vụ đánh bắt khơi xa; các công trình xây dựng, giao thông đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Các lễ hội cuối năm sắp diễn ra cho nên nhu cầu sử dụng xăng dầu của doanh nghiệp và người dân đang tăng cao. Trong khi đó, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu từ chối bán hàng...

Theo Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm tra, có khoảng 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh treo biển hết xăng dầu, do không nhập được hàng, nguồn cung từ các thương nhân phân phối hạn chế. Các cửa hàng này chủ yếu thuộc hệ thống đại lý hoặc nhượng quyền bán lẻ của một số công ty... Hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có 489 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, trong đó có 57 cửa hàng ngưng hoạt động dài hạn do chờ chuyển nhượng, sang bán hoặc liên quan đến vi phạm pháp luật chờ xử lý, 6 cửa hàng đang sửa chữa được Sở Công thương cho phép tạm ngưng hoạt động.

Theo kết quả kiểm tra của ngành chức năng, đến ngày 4/9, hầu hết các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã mở cửa hoạt động bình thường. Tuy nhiên do lượng hàng cung ứng thấp, cho nên các cơ sở bán hạn chế về số lượng, để tránh đầu cơ, gây xáo trộn thị trường.

Tại An Giang, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện 12 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động, đã yêu cầu các đơn vị chức năng xác minh, làm rõ nguyên nhân, nếu phát hiện vi phạm thì xử lý theo quy định. Còn ở Cà Mau, qua công tác kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, đến nay có gần 10 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thông báo hết dầu do nguồn cung cấp từ đầu mối cung ứng đầu vào chưa về kịp.

"Tình hình thiếu nguồn cung chỉ diễn ra trong vài giờ. Những cửa hàng thông báo hết dầu, lực lượng chức năng đều xuống tận nơi kiểm tra và chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ giá"-Giám đốc Sở Công thương tỉnh Cà Mau, Nguyễn Văn Đô cho biết.

Hoạt động của một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Sóc Trăng.

Hoạt động của một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Sóc Trăng.

Siết chặt thanh, kiểm tra

Để bảo đảm lưu thông, ổn định thị trường cung ứng xăng dầu trên địa bàn, tỉnh Cà Mau đang tăng cường chỉ đạo kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cung ứng, kinh doanh, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về kinh doanh xăng dầu; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; đặc biệt là các hành vi đầu cơ, găm hàng, giảm thời gian bán hàng, tạo khan hiếm để trục lợi.

Các đơn vị chức năng phải thường xuyên theo dõi, chủ động nắm tình hình cung ứng, lưu thông xăng dầu phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là cung cấp xăng dầu cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản và xây dựng các công trình.

Ngày 4/9, ngành chức năng tỉnh An Giang có buổi làm việc đột xuất cùng các doanh nghiệp, cửa hàng đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu nhằm sớm khắc phục những khó khăn, vướng mắc; trao đổi thông tin tình hình kinh doanh xăng dầu trong tỉnh và bàn giải pháp khắc phục để bảo đảm nguồn cung trong thời gian tới.

Các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu An Giang cho biết, họ gặp khó khăn trong mua hàng; có tình trạng các cửa hàng trực thuộc, đại lý trực thuộc tạm ngưng, hết xăng, hết dầu do nguồn cung khan hiếm, số lượng nhỏ giọt, việc kinh doanh lỗ kéo dài, nên nhiều cửa hàng phải tạm ngưng hoạt động. Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang yêu cầu và phần lớn các doanh nghiệp đã cam kết bảo đảm nguồn cung cho các cửa hàng trực thuộc, đại lý trên địa bàn tỉnh trong ngày 5/9.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Sóc Trăng, Võ Văn Chiêu cho biết, đơn vị sẽ phối hợp Cục Quản lý thị trường và các cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động bán lẻ xăng dầu. Trường hợp phát hiện cửa hàng bán lẻ xăng dầu đóng cửa hoặc treo biển hết hàng sẽ tiến hành xác minh, phát hiện vi phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó, nếu thương nhân phân phối vi phạm sẽ đề nghị về Bộ Công thương xem xét xử lý nghiêm.

Theo Công ty TNHH Một thành viên Xăng dầu Tây Nam Bộ-Chi nhánh Xăng dầu Sóc Trăng, hiện nay lượng xăng dầu tồn kho khoảng 1.400m3. Chi nhánh cam kết sắp tới vẫn tiếp tục bảo đảm nguồn cung cho hệ thống phân phối.

"Việc hết xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng là do một số đầu mối kinh doanh phân bổ sản lượng, lượng hàng không bảo đảm nhu cầu cho các chi nhánh trên địa bàn tỉnh. Do đó, Sở Công thương đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo các đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng sản lượng phân bổ cho thị trường Sóc Trăng để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ trong thời gian tới"-đồng chí Võ Văn Chiêu kiến nghị.

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, Nguyễn Văn Hoàng đề nghị, các thương nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; cung cấp đủ hàng và duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của doanh nghiệp.

"Để bảo đảm chuỗi cung ứng từ thương nhân đầu mối đến hệ thống bán lẻ phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, Sở Công thương đã báo cáo Bộ Công thương xem xét, có ý kiến chỉ đạo điều hành giá linh hoạt, theo đúng chu kỳ, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, Tết, không làm tăng độ trễ của thị trường trong lúc đang biến động"-đồng chí Nguyễn Văn Hoàng cho biết.

Nhóm PHÓNG VIÊN THƯỜNG TRÚ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bao-dam-nguon-cung-xang-dau-tai-dong-bang-song-cuu-long-post714038.html