Bảo đảm nguồn nước cho sản xuất vụ đông - xuân

Trên địa bàn tỉnh hiện có 434 hồ chứa và 511 đập dâng. Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên quản lý, khai thác 103 hồ chứa (2 hồ chứa có cửa van điều tiết là hồ Núi Cốc, hồ Bảo Linh) và 100 đập dâng; UBND cấp huyện quản lý, khai thác 331 hồ chứa nhỏ, 411 đập dâng. Mặc dù phải xả nước để phòng chống bão, lũ nhưng do được điều tiết hợp lý nên hiện nay, lượng nước tích trữ tại các hồ chứa đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất vụ đông - xuân của bà con nông dân các địa phương.

Hiện nay, mực nước hồ Phượng Hoàng (xã Cù Vân, Đại Từ) khá ổn định, đảm bảo cung cấp nước tưới cho trên 200ha lúa và hoa màu của xã Cù Vân, An Khánh.

Hiện nay, mực nước hồ Phượng Hoàng (xã Cù Vân, Đại Từ) khá ổn định, đảm bảo cung cấp nước tưới cho trên 200ha lúa và hoa màu của xã Cù Vân, An Khánh.

Mặc dù đã qua nhiều đợt xả lũ nhưng hiện nay, mực nước hồ Núi Cốc không bị thấp hơn mọi năm. Ông Lê Văn Cung, ở xóm 6, xã Bình Thuận (Đại Từ), cho biết: Theo kinh nghiệm của chúng tôi, với mực nước hồ như hiện tại chắc chắn đáp ứng được nhu cầu sản xuất vụ đông - xuân của bà con nông dân các địa phương.

Cùng với hồ Núi Cốc, hiện nay, mực nước tại các hồ, đập trên địa bàn tỉnh đều ổn định. Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên, cho biết: Nhờ việc điều tiết, tích trữ nguồn nước được triển khai kịp thời nên các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý đều bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông.

Tuy nhiên, do không ít công trình và hạng mục công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng từ lâu nên đến nay đã bị hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, các địa phương chưa bố trí được nguồn kinh phí duy tu, sửa chữa, nâng cấp kịp thời, nhất là sau đợt mưa lũ vừa qua, nên cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến sản xuất nông nghiệp, nhất là trong vụ xuân tới.

Bên cạnh đó, các công trình trạm bơm và hệ thống kênh mương được phân giao quản lý cho các địa phương, đơn vị nhưng cơ bản đã được đầu tư xây dựng từ lâu nên nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp; hệ thống kênh mương do cấp huyện quản lý chủ yếu là kênh đất, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý và cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Về lâu dài, ngành Nông nghiệp đã đề nghị các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư kiên cố hóa các tuyến kênh mương và sửa chữa, nâng cấp các trạm bơm trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong bối cảnh bão lũ vừa càn quét trên địa bàn tỉnh, thiệt hại về tài sản của Nhà nước và nhân dân là rất lớn nên việc đầu tư kinh phí cho các công trình thủy lợi vẫn cần có thời gian.

Không chỉ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 800ha đất nông nghiệp của các xã Cát Nê, Văn Yên, Vạn Thọ, Ký Phú, hồ Vai Miếu (xã Ký Phú, Đại Từ) còn có thể nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Không chỉ đảm bảo cung cấp nước tưới cho 800ha đất nông nghiệp của các xã Cát Nê, Văn Yên, Vạn Thọ, Ký Phú, hồ Vai Miếu (xã Ký Phú, Đại Từ) còn có thể nuôi trồng thủy sản, mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh, cho biết: Để bảo đảm an toàn cho các công trình và cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ đông - xuân, trước mắt, chúng tôi đề nghị các địa phương, đơn vị được giao quản lý, khai thác công trình hàng năm cần xây dựng kế hoạch sử dụng nước tiết kiệm, bảo đảm phục vụ sản xuất của bà con nông dân. Đồng thời tăng cường các biện pháp dẫn, giữ nguồn nước, chống tràn, không để rò rỉ, mất nước gây lãng phí; duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các trạm bơm, nạo vét kênh mương để bảo đảm dẫn nước kịp thời, tiết kiệm. Người dân cũng cần sử dụng nguồn nước tưới tiết kiệm để tránh lãng phí.

Từ thực tế có thể thấy, nhiều địa phương trong tỉnh còn gặp khó khăn về nguồn nước tưới phục vụ sản xuất vụ đông - xuân. Theo kế hoạch, năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 10.280ha cây vụ đông, trong đó có gần 3.700ha ngô, phấn đấu sản lượng đạt 17.210 tấn; trên 6.580ha rau màu, phấn đấu sản lượng đạt 121.780 tấn.

Để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra, cùng với việc bảo đảm nguồn nước tưới, hiện nay, các địa phương đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai kế hoạch và hướng dẫn bà con nông dân gieo trồng các loại cây vụ đông đúng khung thời vụ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra về vật tư nông nghiệp, xử lý nghiêm các cửa hàng, đại lý kinh doanh, buôn bán hàng giả, kém chất lượng.

Cùng với đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân về kỹ thuật sản xuất, thâm canh ngô, chăm sóc các loại cây trồng vụ đông và biện pháp phòng trừ hiệu quả sâu bệnh gây hại. Đồng thời tham mưu, đề xuất về các cơ chế, chính sách của tỉnh và chính sách hỗ trợ của địa phương; phối hợp với các đơn vị cung ứng giống cho bà con nông dân bảo đảm chất lượng, số lượng, chủng loại và trong khung thời vụ tốt nhất...

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/thoi-su-thai-nguyen/202410/bao-dam-nguon-nuoc-cho-san-xuat-vu-dong-xuan-0fd048d/