Bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 23/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường một số nội dung về Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đồng tình với việc ban hành Luật Tư pháp với người chưa thành niên, các đại biểu cho rằng, việc ban hành luật sẽ nhằm mục đích hoàn thiện pháp luật tư pháp đủ nghiêm khắc nhưng cũng bảo đảm nhân văn đối với người chưa thành niên phạm tội. Bên cạnh đó là tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế tối đa việc áp dụng các biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ. Đặc biệt là cần xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.

Ông Huỳnh Thanh Phương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh cho rằng: "Tôi đề nghị xem xét lại các quy định này với các lý do: thứ nhất là hiện nay, việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải là một trong những tình tiết giảm nhẹ, theo quy định tại Điều 51, bộ Luật Hình sự, được xem xét cân nhắc đối với người thành khẩn hay không thành khẩn. Thứ hai là Dự thảo luật quy định ý kiến trình bày của người chưa thành niên phải được tôn trọng, không được coi là không đáng tin cậy chỉ vì lý do tuổi của họ. Tuy nhiên lại quy định việc người chưa thành niên không nhận tội lại không bị coi là không thành khẩn khai báo thì không phù hợp, không khuyến khích được người chưa thành niên trình bày đúng sự thật, có nguy cơ gây khó khăn trong quá trình làm việc".

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không phải vụ án nào cũng phải tách người chưa thành niên và người thành niên phạm tội, tuy nhiên việc tách riêng vụ án người chưa thành niên phạm tội sẽ giúp Công an làm rõ hành vi phạm tội trong quá trình điều tra.

Còn ở nội dung tại Điều 36, các đại biểu cho rằng cần cân nhắc lựa chọn biện pháp xử lý chuyển hướng áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội phải phù hợp với hoàn cảnh, độ tuổi và đặc điểm tâm sinh lý.

Nêu quan điểm về nội dung ở Khoản 4 Điều 4: "Người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng gồm học sinh trường giáo dưỡng và người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng", Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị quy định rõ nội dung học sinh trường giáo dưỡng là đối tượng xử lý chuyển hướng và xem xét dấu viết trên thân thể người bị hại là người chưa thành niên; bổ sung quy định tạo điều kiện thăm nom, tâm lý người chưa thành niên tích cưc hơn.

Tiếp tục hoàn thiện Dự thảo, các đại biểu cho rằng, cơ quan soạn thảo cần làm rõ hơn về các nội dung quy định thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng; đồng thời rà soát, quy định chi tiết, cụ thể hơn khoản 11 Điều 4 quy định về người làm bảo vệ trẻ em cấp xã, đây là vị trí chưa có trong cơ cấu các địa phương. Đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật phải tách vụ án có người chưa thành niên phạm tội trong giai đoạn điều tra để giải quyết, nhằm bảo đảm thực thi đầy đủ, hiệu quả các chính sách nhân văn, thân thiện, tiến bộ của dự thảo Luật.

Kim Chi

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/bao-dam-nhan-van-doi-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-274806.htm