Bảo đảm quyền công dân cho người gốc Việt không quốc tịch

Quốc tịch có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mỗi cá nhân, là cơ sở để xác định quyền và nghĩa vụ của công dân với Nhà nước và Nhà nước đối với công dân. Không có quốc tịch đồng nghĩa cá nhân sẽ bị hạn chế rất nhiều về quyền con người, quyền công dân.

Chính vì vậy, ngày 27/11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Căn cước, trong đó, quy định về việc cấp Giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch nhằm bảo đảm quyền công dân, quyền con người đồng thời mở ra cách cửa mới cho nhóm người này.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 27/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước. (Nguồn: TTXVN)

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 27/11/2023, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Căn cước. (Nguồn: TTXVN)

Người gốc Việt không quốc tịch tại Việt Nam

Người gốc Việt sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam là vấn đề mang yếu tố lịch sử, tồn tại đã lâu do những nguyên nhân khác nhau, trong đó có yếu tố di cư, chiến tranh, mất giấy tờ tùy thân. Phần đông là những người yếu thế, cuộc sống rất khó khăn, không nghề nghiệp, không nhà cửa, trình độ dân trí thấp, không có bất cứ giấy tờ gì để làm căn cứ xác định nhân thân, quốc tịch.

Theo thống kê của Bộ Công an, hiện nước ta có khoảng 31.117 người gốc Việt không xác định được quốc tịch. Trong đó, con lai giữa công dân Việt Nam với nước ngoài chưa xác định được quốc tịch tập trung tại các tỉnh Gia Lai, Bạc người Liêu, Vĩnh Long… có 775 trường hợp; người không xác định được quốc tịch, chưa được đăng ký cư trú tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Bình Dương, Đồng Nai... với 10.650 trường hợp; người không có giấy tờ tùy thân tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Đồng Nai, Bình Dương... 16.161 trường hợp.

Việc không có quốc tịch khiến cho người gốc Việt sinh sống ở Việt Nam gặp nhiều trở ngại trong cuộc sống, khi làm thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch dân sự; đặc biệt khi thực hiện các quyền kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Do không có giấy tờ chứng minh nhân thân, cơ hội có việc làm của họ thấp, thường làm các ngành nghề tự do, không được bảo hộ về lao động, thậm chí làm những việc mà pháp luật không cho phép; không được thực hiện các quyền công dân như: bầu cử, tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng các cơ quan Đảng, Nhà nước; cơ hội được học tập của bản thân họ và con cháu rất thấp; khó tiếp cận các dịch vụ y tế, chính sách BHYT để chăm sóc sức khỏe; không được hỗ trợ tín dụng ưu đãi dành cho đối tượng yếu thế; thậm chí dễ trở thành nạn nhân của các loại tội phạm trong đó tội phạm mua bán người…

Người gốc Việt không rõ quốc tịch không có chỗ ở hợp pháp, phải ở nhờ; sống dưới ghe, thuyền hoặc nhà tạm; số ít có tiền mua đất nhưng không làm được thủ tục sang tên, chỉ sử dụng giấy viết tay, không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở.

Do vậy, họ không ổn định về nơi ở, thường di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong quản lý dân cư. Không những vậy, khi lập gia đình, sinh sống như vợ chồng nhưng không được pháp luật thừa nhận về hôn nhân; trẻ em được sinh ra cũng vì thế mà không có giấy khai sinh, không có quốc tịch. Điều đáng lo ngại là họ dễ bị cô lập, khó hòa nhập cộng đồng.

Tại tỉnh Long An hiện nay có hơn 1.800 trường hợp người gốc Việt di cư tự do từ Campuchia về sinh sống; không có giấy tờ chứng minh nhân thân, điều chứng minh duy nhất họ là người gốc Việt Nam thông qua giọng nói, tập tục sinh hoạt; người lớn không xin được việc làm tại các công ty, trẻ em không có giấy khai sinh, thậm chí sinh ra nhưng không có bất cứ loại giấy tờ nào, không đủ điều đến trường học.

Việc cấp giấy tờ chứng nhận nhân thân cho Người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch vô cùng quan trọng và cần thiết. Nếu không, vòng lặp không quốc tịch sẽ tiếp tục “di truyền” từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Việc không có bất cứ giấy tờ tùy thân nào khiến cho việc quản lý xã hội nhiều khó khăn do họ không phải là công dân Việt Nam nên việc áp dụng các quy định pháp luật sẽ hạn chế. Họ không được thu thập thông tin, dữ liệu và quản lý, dẫn đến các cơ quan Nhà nước sẽ không có cơ sở để tra cứu, xác minh, đặc biệt thông tin sinh trắc học về vân tay, ảnh chân dung khi có các hoạt động trái pháp luật vì thế công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ nhóm người này trước các hành vi xâm phạm.

Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam (Luật Căn cước công dân năm 2014, Luật Quốc tịch, Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam…) đều không điều chỉnh, quy định về nhóm người này, dẫn đến sự tồn tại khoảng trống trong quản lý nhà nước về dân cư cũng như việc thực hiện chính sách an sinh, xã hội, bảo đảm quyền bị hạn chế, ảnh hướng đến công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Người gốc Việt Nam cũng là một bộ phận không tách rời của dân tộc và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận. Luật Căn cước gồm 7 chương, 46 Điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 là bước tiến quan trọng trong bảo vệ quyền con người; có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; tạo hành lang pháp lý quan trọng để không để ai bị bỏ lại phía sau, bảo đảm người dân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam có điều kiện phát triển toàn diện, được hưởng thụ những giá trị nhân quyền.

Thứ nhất, người gốc Việt không có quốc tịch và giấy tờ chứng minh pháp lý của họ lần đầu được pháp luật quy định. Khoản 17, Điều 3 định nghĩa: “Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là người đã từng có quốc tịch Việt Nam hoặc có ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha đẻ, mẹ đẻ là công dân Việt Nam hoặc đã từng có quốc tịch Việt Nam, nhưng chưa xác định được quốc tịch”. “Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này”.

Như vậy, Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Qua đó, xác lập địa vị, tạo điều kiện để người gốc Việt không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam tham gia vào xã hội và phát triển toàn diện.

Bộ Ngoại giao và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đồng tổ chức “Tọa đàm quan chức cấp cao Đông Nam Á về đăng ký hộ tịch, giấy tờ nhân thân và ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch”, ngày 25/10/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Bộ Ngoại giao và Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đồng tổ chức “Tọa đàm quan chức cấp cao Đông Nam Á về đăng ký hộ tịch, giấy tờ nhân thân và ngăn ngừa tình trạng không quốc tịch”, ngày 25/10/2023 tại Hà Nội. (Ảnh: Quang Hòa)

Thứ hai, Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp Giấy chứng nhận căn cước. Lần đầu tiên, người Việt không quốc tịch được pháp luật xác nhận về quyền công dân. Qua đây, họ được thực hiện quyền công dân trên những khía cạnh nhất định mà trước đó chưa có tiền lệ.

Luật Căn cước được ban hành và có hiệu lực tiếp tục khẳng định bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, không ai bị bỏ lại phía sau. quy định pháp luật này phù hợp với Hiến pháp và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, qua đó thể hiện những nỗ lực của Nhà nước Việt Nam trong thực hiện các cam kết quốc tế về nhân quyền.

Thứ ba, bảo đảm quyền công dân, quyền con người. Người gốc Việt không quốc tịch được sử dụng Giấy chứng nhận căn cước thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp như những công dân của đất nước trong các hoạt động giao dịch, dịch vụ công, các dịch vụ an sinh xã hội, tìm kiếm việc làm, hưởng trợ cấp, trợ giúp xã hội, bảo đảm quyền y tế, quyền giáo dục, quyền kinh tế…, an ninh, an toàn và tham gia vào các chính sách của nhà nước. Có Giấy chứng nhận căn cước, họ có thể làm các thủ tục hành chính khác.

Thứ tư, bảo đảm các quyền đối với thông tin cá nhân. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật; yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước hoặc Giấy chứng nhận căn cước chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật; được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này; khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

Thiếu tướng Vũ Xuân Hùng, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho biết qua khảo sát tại năm tỉnh miền Tây, có khoảng 25.000 người thuộc diện này đang chưa xác định được lai lịch và cũng chưa có giấy tờ tùy thân; "Đoàn khảo sát đã đến tận nơi sinh sống của họ thì nhận ra cuộc sống họ chỉ là số không tròn trĩnh. Tất cả không có nhà, không có đất đai, không có giấy tờ, không có nghề nghiệp và không được tham gia vào các lợi ích tối thiểu nhất của xã hội"

Thứ năm, tạo cơ sở giải quyết tận gốc vấn đề không quốc tịch do liên quan đến yếu tố lịch sử, chiến tranh, di cư vốn tồn tại dai dẳng bấy lâu nay; là căn cứ pháp lý quan trọng để quản lý, giải quyết bất cập trong công tác quản lý nhà nước về dân cư ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; là cơ sở cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng.

Thứ sáu, đề cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với Giấy chứng nhận căn cước. Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên Giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình Giấy chứng nhận căn cước thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu họ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong Giấy chứng nhận căn cước; trừ trường hợp thông tin đã được thay đổi, cải chính và thông tin trong Giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều này phát huy vai trò, tăng trách nhiệm của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các tổ chức, cá nhân có liên quan đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; không để xảy ra tình trạng trục lợi, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân.

Khoản 2, Điều 5 quy định: Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền sau đây:

a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, chỉnh sửa thông tin khi thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước hoặc giấy chứng nhận căn cước chưa có, chưa chính xác hoặc có sự thay đổi theo quy định của pháp luật;

c) Được cấp số định danh dành cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này;

d) Sử dụng giấy chứng nhận căn cước của mình trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;

đ) Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước;

e) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

ThS. LÊ THỊ THANH HOA - TRẦN THỊ THỦY

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-dam-quyen-cong-dan-cho-nguoi-goc-viet-khong-quoc-tich-258575.html