Bảo đảm quyền của người lao động tại Tây Ninh
Với quan điểm chỉ đạo luôn đặt lợi ích của đoàn viên, người lao động lên hàng đầu, trong những năm qua, đời sống người lao động trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã từng bước được cải thiện tích cực.
Giải quyết tốt nhu cầu của người lao động
Hiện nay, Tây Ninh có 8.233 doanh nghiệp với số vốn hơn 198 ngàn tỉ đồng, gồm 493 công ty cổ phần, 6.666 công ty TNHH, 1.074 doanh nghiệp tư nhân; riêng khối FDI có 370 dự án với số vốn đăng ký 9,82 tỷ đô-la Mỹ. Số lượng người lao động (NLĐ) tại Tây Ninh ngày càng tăng, hiện nay đã thu hút được hơn 200.000 lao động trong nước và gần 4.500 lao động nước ngoài.
Cùng với sự lớn mạnh của lực lượng công nhân, các chính sách dành cho NLĐ được quan tâm thực hiện quyết liệt. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND tỉnh đã phối hợp Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri là cán bộ, đoàn viên, công nhân lao động để họ bày tỏ tâm tư nguyện vọng, đề xuất các ý tưởng, giải pháp về duy trì việc làm bền vững, nâng cao thu nhập và đời sống của NLĐ; các giải pháp phát triển nhà ở, nơi vui chơi, giải trí, trường học cho con của đoàn viên, NLĐ; vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần và tình trạng tín dụng đen trong công nhân lao động; tham gia góp ý đối với các dự án luật liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của NLĐ như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công đoàn, Luật Việc làm…
Liên đoàn Lao động tỉnh đã tiến hành giám sát UBND huyện Gò Dầu, UBND huyện Bến Cầu vào tháng 11-2023 trong công tác quản lí nhà nước về triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và Quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc năm 2023 theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12-12-2023 của Bộ Chính trị. Đồng thời, khảo sát công tác tổ chức triển khai thực hiện theo Điều 6, Điều 7, Điều 10 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14-12-2020 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ Luật Lao động 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động đối với 6 doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ kịp thời cho NLĐ bị mất việc làm, giảm thu nhập trong các doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, cắt giảm đơn hàng, LĐLĐ tỉnh tổ chức thẩm định hồ sơ, ra quyết định chi hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị giảm thời gian làm việc theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ ngày 16-1-2023 của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho 1.515 người (từ 1 đến 3 triệu đồng/người), với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng; xét phân bổ vốn cho 4 đơn vị, 32 hộ vay chăn nuôi bò sinh sản và nuôi gà, tổng số tiền 950 triệu đồng từ Quĩ Xóa đói giảm nghèo; phối hợp với Tổ chức Tài chính Vi mô CEP Chi nhánh Tây Ninh tạo điều kiện cho 1.844 đoàn viên vay vốn với tổng số tiền giải ngân trên 38, 6 tỷ đồng.
Quan tâm nắm tình hình tiền lương, thưởng Tết, lương tháng 13... nhằm bảo đảm NLĐ được chi trả kịp thời và đúng theo Thỏa ước lao động tập thể. Hiện nay, NLĐ ở đa số các doanh nghiệp được thưởng tiền Tết với các hình thức như: thưởng lương tháng 13, thưởng phân loại A, B, C, thâm niên... mức tiền thưởng bình quân là 4.150.000 đồng/người, cao nhất là 200 triệu đồng/người, thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Phát huy vai trò của tổ chức công đoàn
Để bảo vệ cũng như đem lại nhiều quyền lợi tốt hơn cho NLĐ, chỉ riêng trong năm 2023, các ngành, các cấp đã tổ chức tập huấn 11 lớp cho 930 NLĐ là cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và cấp cơ sở về Luật thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; công tác kiểm tra giám sát của công đoàn, kĩ năng thương lượng kí kết thỏa ước lao động tập thể, kĩ năng đối thoại tại nơi làm việc, kĩ năng kiểm tra giám sát những mối nguy hiểm về an toàn lao động tại nơi làm việc, về đánh giá, chấm điểm, xếp loại…
Bên cạnh đó, 100% công đoàn cơ sở khối cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp của tỉnh đã tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; 381 doanh nghiệp ngoài nhà nước tổ chức hội nghị NLĐ, 461 doanh nghiệp nhà nước tổ chức đối thoại định kì; 28 doanh nghiệp ngoài nhà nước tiến hành kí mới thỏa ước lao động tập thể…
Văn phòng Tư vấn pháp luật Công đoàn, Công đoàn khu kinh tế, LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố rất nỗ lực, tích cực đấu tranh đòi quyền lợi, bảo vệ lợi ích của người lao động, gia tăng phúc lợi, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động thông qua việc tư vấn trực tiếp và lưu động, qua điện thoại và email cho 461 lượt, 470 cá nhân và tập thể NLĐ; tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ NLĐ soạn thảo 5 đơn khởi kiện lên Tòa án thị xã Trảng Bàng, Gò Dầu, Châu Thành và đã giải quyết được chế độ cho 12 NLĐ với số tiền 287 triệu đồng; kiên trì thương lượng với chủ doanh nghiệp bị khó khăn không có đơn hàng, tiến hành chấm dứt hoạt động và thực hiện trợ cấp mất việc làm cho 458 lao động với số tiền 5 tỉ đồng bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Hằng năm, các phong trào chăm lo, bảo đảm lợi ích, hỗ trợ cho công nhân và người lao động đã được công đoàn các cấp ở tỉnh tích cực triển khai tổ chức như chương trình văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao “mừng Đảng, mừng Xuân”, “Chợ Tết Công đoàn”, “Tết Sum vầy - Xuân gắn kết”, thăm và tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động không về quê, ở lại nhà trọ đón Tết. Với phương châm “Tất cả đoàn viên, NLĐ đều có Tết”, các cấp công đoàn trong tỉnh đã tổ chức trao tặng 1.391 vé xe, tặng quà cho 163.585 đoàn viên, công nhân lao động, tổng kinh phí 83 tỉ 949 triệu đồng.
Huy động mọi nguồn lực để thăm hỏi, tặng quà cho 32.222 đoàn viên, cán bộ, công nhân, viên chức, lao động và gia đình ốm đau, tang tế với tổng số tiền 15 tỉ 543 triệu đồng; góp vốn xoay vòng cho công nhân, viên chức, lao động có hoàn cảnh khó khăn được 5 tỉ 471 triệu đồng, 9.351 đoàn viên, NLĐ được thụ hưởng chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên và NLĐ”, với số tiền là 4 tỉ 676 triệu đồng; bàn giao 21 căn “Mái ấm Công đoàn” với tổng số tiền 1 tỉ 545 triệu đồng, sửa chữa 2 căn nhà với số tiền 66 triệu đồng cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
Ngoài ra, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi chào đón công nhân lao động trở lại làm việc sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, đồng thời tạo sự lan tỏa các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ của các cấp công đoàn trong tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức ngày hội “Chào công nhân lao động” với nhiều hoạt động ý nghĩa như: tham gia các gian hàng ẩm thực miễn phí, các trò chơi dân gian, thi hái hoa dân chủ và rút thăm trúng thưởng với nhiều phần quà hấp dẫn, có giá trị; tặng lì xì cho 500 công nhân lao động, với tổng số tiền 100 triệu đồng.
Những trọng tâm trong thời gian tới
Có thể thấy, công tác bảo đảm quyền cho NLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời gian qua được các cấp lãnh đạo, các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt, có hiệu quả. Tuy nhiên, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác này, thời gian tới cần tiếp tục thực hiện một số công tác trọng tâm sau:
Một là, tập trung đối thoại, thương lượng tập thể, mang lại lợi ích cho đoàn viên, NLĐ, trọng tâm là tiền lương. Chủ động dự báo tình hình để đề ra các giải pháp phù hợp xử lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, nhất là liên quan đến việc thực thi các chính sách, chế độ liên quan quyền lợi NLĐ.
Hai là, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, thực hiện các chế độ chính sách đối với NLĐ, bảo vệ hiệu quả quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ.
Ba là, triển khai thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 đến các cấp công đoàn trong tỉnh. Mở các lớp huấn luyện về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở cho cán bộ công đoàn. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội X Công đoàn tỉnh Tây Ninh trong toàn hệ thống tổ chức Công đoàn.
Bốn là, kịp thời nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức, NLĐ; những vấn đề phát sinh từ NLĐ trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước để có xử lí kịp thời.