Bảo đảm quyền lợi các bên khi tham gia bảo hiểm

Thực hiện chương trình làm việc tại Phiên họp thứ 9, ngày 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về các dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh Duy Linh)

Quang cảnh phiên họp cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi). (Ảnh Duy Linh)

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, hiện còn hai vấn đề cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gồm: đề nghị không tiếp tục trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm và đề xuất quy định trích lập Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, kèm theo những đánh giá cụ thể về nguồn lực hình thành Quỹ.

Theo các báo cáo, từ tháng 9/2021, Chính phủ đã đề nghị dừng trích Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, vì sau 12 năm trích nộp, Quỹ vẫn chưa phải sử dụng và ít có xu hướng phải sử dụng trong thời gian tới. Trong khi đó, dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) lại đưa ra quy định về Quỹ Dự trữ bắt buộc và Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm. Hai Quỹ được vận hành đồng thời, có cùng mục đích bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm.

Ngoài ra, dự án Luật cũng đã chuyển đổi phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm, kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro, do đó tính chủ động của doanh nghiệp trong quản trị và kiểm soát tài chính đã được nâng cao. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, việc duy trì đồng thời cả hai Quỹ là không cần thiết, dễ tạo gánh nặng cho cả doanh nghiệp và người tham gia bảo hiểm. Tuy nhiên, báo cáo giải trình tại phiên làm việc, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc lại thể hiện mong muốn giữ lại Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm nhằm bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm gặp phải những vấn đề bất thường, đóng vai trò công cụ can thiệp từ Nhà nước khi xảy ra các sự cố.

Phát biểu ý kiến tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan chủ trì thẩm tra, đồng thời đề nghị rà soát lại kết cấu dự án Luật gắn với việc nâng cao tính logic hơn nữa, đặc biệt là tính nhất quán trong công tác phân loại, định danh các loại hình bảo hiểm. Đồng thời yêu cầu cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ các quy định về hợp đồng bảo hiểm để bảo đảm phù hợp các nguyên tắc chung về hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự, tính đặc thù của hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, nhất là khi người mua bảo hiểm và người thụ hưởng là hai chủ thể khác nhau.

Báo cáo về các vấn đề giải trình, tiếp thu trong dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, có hai luồng ý kiến chủ yếu liên quan quy định phổ biến phim trên mạng. Trong đó, phần lớn đồng tình với phương án hậu kiểm, gắn với bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, biện pháp tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng. Luồng ý kiến còn lại đề nghị cấp phép phân loại phim phổ biến trên không gian mạng, nhất là các phim có yếu tố về chính trị, quốc phòng, an ninh.

Thảo luận về quy định nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, có nhiều phim với nội dung chính trị phức tạp, nhạy cảm, nhưng lại có tác động lan tỏa rất nhanh, do đó cần cân nhắc việc phê duyệt, cấp phép thay vì xử lý theo hướng hậu kiểm. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định: Việc tiền kiểm phim phổ biến trên không gian mạng hiện bất khả thi, vì thế khâu hậu kiểm càng phải đưa ra những cơ chế cụ thể để phát hiện, khắc phục hậu quả và xử lý các vi phạm. Tuy nhiên, liên quan đến các quy định về hậu kiểm, dự án Luật vẫn chưa thể hiện rõ các giải pháp, cách xử lý trong các trường hợp cụ thể, điển hình như yêu cầu thông báo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, gỡ bỏ phim trong vòng 24 giờ hoặc ngừng cung cấp dịch vụ khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu...

Chiều 22/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Nghị quyết được xây dựng nhằm tạo cơ sở pháp lý để thống nhất tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề bên ngoài trại giam cho phạm nhân; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trại giam trong công tác tổ chức lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân trong giai đoạn hiện nay; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thi hành án phạt tù, công tác chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù.

Trong Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga bày tỏ tán thành với Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định thí điểm mô hình tổ chức hoạt động lao động, hướng nghiệp, dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại giam. Thảo luận tại phiên làm việc, nhiều đại biểu cho rằng, việc miễn giảm thuế thu nhập cho hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề nêu trên cần phải được hiểu đúng, hiểu đủ là dành cho người lao động thay vì doanh nghiệp. Đồng thời đề nghị cần có thêm những chính sách đặc thù, phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư, đưa ra các quy định cụ thể hơn để gia tăng tính minh bạch, nhân đạo của Nghị quyết.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/bao-dam-quyen-loi-cac-ben-khi-tham-gia-bao-hiem-690266/