Bảo đảm quyền lợi công bằng giữa nhà giáo trong và ngoài công lập

Nhiều ý kiến cho rằng, Luật Nhà giáo khi ban hành cần quan tâm đến chính sách đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên, đặc biệt là các cơ sở ngoài công lập.

Cô Nguyễn Thị Việt Anh, giáo viên, chủ Nhóm trẻ Đam mê (ở giữa) tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh.

Cô Nguyễn Thị Việt Anh, giáo viên, chủ Nhóm trẻ Đam mê (ở giữa) tổ chức chương trình ngoại khóa cho học sinh.

Cần đảm bảo công bằng

Dự thảo Luật Nhà giáo đã được đăng công khai trên Cổng thông tin Chính phủ để Bộ Giáo dục và Đào tạo để tiếp thu ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân, cơ quan, đoàn thể, đặc biệt là nhà giáo tại khu vực khó khăn và các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Từ dự thảo trên, nhiều giáo viên và chủ cơ giáo dục ngoài công lập cho rằng hiện nay dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm thiết sót, chưa phù hợp với thực tế khiến họ không yên tâm gắn bó với nghề.

Cô Nguyễn Thị Việt Anh, giáo viên, chủ Nhóm trẻ Đam mê (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) bày tỏ: “Tôi thấy dự thảo Luật Nhà giáo cần có sự điều chỉnh để đảm bảo công bằng cho các giáo viên giữa công lập và ngoài công lập. Giáo viên ngoài công lập đang bị đứng ngoài nhiều nội dung, yêu cầu so với giáo viên công lập vì chưa có văn bản quy định cụ thể”.

Giờ nghe kể chuyện của học sinh Nhóm trẻ Đam mê (Điện Biên).

Giờ nghe kể chuyện của học sinh Nhóm trẻ Đam mê (Điện Biên).

Cô Việt Anh nói thêm: “Số vốn đầu tư các phòng học khá nhiều, song vì là đơn vị tư thục, trẻ học theo mùa. Mùa hè thì đông trẻ theo học, các mùa còn lại thì ít trẻ hơn. Do đó chưa thực sự khai thác được hết những cơ sở vật chất đã đầu tư xuyên suốt cả năm học. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu của nhóm trẻ, tạo áp lực lên việc chi trả lương, thưởng cho đội ngũ giáo viên”.

Theo cô Nguyễn Thị Việt Anh, các giáo viên giảng dạy của nhóm trẻ được tuyển chọn kỹ lưỡng, giáo viên trẻ nên rất nhiệt huyết, yêu nghề. “Tuy nhiên, chúng tôi khá khó khăn trong việc giữ chân giáo viên ở lại lâu dài vì nguồn thu nhập thấp. Do đó dẫn đến chế độ đãi ngộ đối với giáo viên chưa cao. Công việc bấp bênh, không ổn định, không có phương án dự phòng hay chế độ cho giáo viên trong những lúc dịch bệnh, thiên tai. Nên không hấp dẫn được giáo viên gắn bó”, cô Việt Anh nhấn mạnh.

Cô Cà thị Hồng, giáo viên nhóm trẻ Đam Mê chia sẻ: “Các năm gần đây, về mặt chuyên môn chúng tôi được phòng GD&ĐT và Sở GD&ĐT hỗ trợ, giúp đỡ hàng năm, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia tập huấn. Tuy nhiên, để phát triển bản thân, cập nhật các phương pháp giảng dạy mới thì giáo viên vẫn phải tự bỏ tiền hoặc đợi cơ sở giáo dục của mình tổ chức để tham gia các khóa đào tạo chuyên môn của chuyên gia đầu ngành”.

Cô Cà thị Hồng, giáo viên nhóm trẻ Đam Mê (Điện Biên) chăm sóc các em học sinh trong giờ ăn trưa.

Cô Cà thị Hồng, giáo viên nhóm trẻ Đam Mê (Điện Biên) chăm sóc các em học sinh trong giờ ăn trưa.

Mong đợi chính sách hỗ trợ

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, tính đến năm học 2021 - 2022, tổng số nhà giáo trong cả nước là 1.404.120 người. Trong đó, nhà giáo các cấp học Mầm non, Phổ thông là 1.226.961 người (công lập 1.091.730, ngoài công lập 135.231; biên chế 1.042.807, hợp đồng trong các trường công lập 48.923).

Các cơ sở giáo dục đại học có 89.004 nhà giáo (công lập 67.743, ngoài công lập 21.261 người). Như vậy, số lượng nhà giáo ngoài công lập là hơn 156.000 người.

Một số nhà giáo cho rằng, trong Luật Viên chức và Công chức hiện hành, đội ngũ nhà giáo trong khối công lập được hưởng khá nhiều các chính sách như: Phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương, phụ cấp công tác ở vùng khó khăn (từ 0,5 – 1,0 mức lương cơ sở/tháng), phụ cấp vị trí công tác.

Ngoài chính sách chung, tùy địa phương, giáo viên trong hệ thống công lập còn được hưởng các chế độ ưu đãi khác như: Nhà công vụ; chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng; khám bệnh định kỳ hằng năm; hỗ trợ học phí cho con nhà giáo… Trong khi đó, đội ngũ giáo viên ngoài công lập nhiều nơi ngoài lương không có thêm chính sách hỗ trợ nào.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Nhà giáo cần đảm bảo công bằng trong chính sách đãi ngộ giữa nhà giáo đang công tác tại các trường ngoài công lập với nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục công lập.

Nhiều ý kiến cho rằng Luật Nhà giáo cần đảm bảo công bằng trong chính sách đãi ngộ giữa nhà giáo đang công tác tại các trường ngoài công lập với nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục công lập.

Cô Trần Mai Phương, giáo viên trường Mầm Non Việt - Mỹ Montessori (Điện Biên) chia sẻ về mức lương không ổn định và các hỗ trợ dành cho giáo viên ngoài công lập với tâm trạng buồn.

Theo cô Phương, giáo viên ngoài công lập hiện nay chịu nhiều áp lực trong công việc, nhưng lại không được hưởng các chính sách hỗ trợ từ nhà nước như giáo viên công lập.

Cô Phương hy vọng: “Trong thời gian tới khi Luật Nhà giáo được ban hành với các quy định cụ thể sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi cho giáo viên trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, giúp các giáo viên yên tâm gắn bó và cống hiến với nghề”.

Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bao-dam-quyen-loi-cong-bang-giua-nha-giao-trong-va-ngoai-cong-lap-post685106.html