Bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh

Trang bị kiến thức và thực hành về phòng một số bệnh tật thường gặp ở học sinh có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe học sinh trong thời gian được nuôi dạy và học tập ở trường. Nếu không áp dụng các biện pháp phòng bệnh và các biểu hiện của bệnh không được phát hiện sớm thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh trong trường học và nguy cơ phát triển các bệnh tật ở học sinh sẽ rất lớn, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe học sinh.

Tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh tại trường học ở TP Đà Lạt

Tiêm chủng phòng bệnh truyền nhiễm cho học sinh tại trường học ở TP Đà Lạt

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn đến năm 2026. Kế hoạch đặt ra các mục tiêu gắn kết y tế trường học với y tế cơ sở nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe ban đầu, sơ cấp cứu ban đầu, phòng, chống tai nạn thương tích và nâng cao sức khỏe cho học sinh từ trẻ em mầm non đến phổ thông nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.

Các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2026 bao gồm: Đạt 100% các hoạt động như ngành Giáo dục phối hợp ngành Y tế các cấp ở địa phương có cơ chế phối hợp về công tác y tế trường học gắn với y tế cơ sở; trung tâm y tế cấp huyện, trạm y tế cấp xã có phân công cán bộ phụ trách công tác y tế trường học; cơ sở giáo dục và trạm y tế cấp xã trên địa bàn có cơ chế phối hợp về công tác y tế trường học. Đạt 95% các hoạt động như cán bộ phụ trách y tế trường học tuyến y tế cơ sở được bồi dưỡng về công tác y tế trường học; người làm công tác y tế trường học trong các cơ sở giáo dục và y tế cơ sở (tuyến huyện, xã) được bồi dưỡng nâng cao năng lực về công tác y tế trường học; cơ sở giáo dục được bảo đảm điều kiện làm việc tối thiểu cho công tác y tế trường học: phòng y tế, giường, trang thiết bị, dụng cụ sơ cấp cứu thông thường, thuốc thiết yếu và nguồn kinh phí được trích lại từ Bảo hiểm y tế dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu đối với học sinh.

Bên cạnh đó, cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra sức khỏe định kỳ cho học sinh đầu năm học theo quy định đạt 85%; thực hiện việc đánh giá phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ về bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần cho học sinh đạt 50%; cung cấp đủ nước uống và nước sạch cho sinh hoạt, hoạt động trong trường học bảo đảm chất lượng theo quy định đạt 75%. Cơ sở giáo dục có nhà vệ sinh; tổ chức các hoạt động giáo dục dinh dưỡng hợp lý, thực phẩm lành mạnh, an toàn cho học sinh thông qua các giờ học chính khóa, hoạt động ngoại khóa đạt 100%. Đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức bữa ăn học đường và căn tin trường học bảo đảm các điều kiện về vệ sinh, an toàn thực phẩm theo quy định 100%. Cơ sở giáo dục xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm (đối với các cơ sở giáo dục có tổ chức bữa ăn học đường và căn tin trường học) ở khu vực thành thị 60% và ở khu vực nông thôn 40%; học sinh phổ thông được phổ biến, tư vấn về sức khỏe tâm thần, tâm sinh lý lứa tuổi đạt 50%...

UBND tỉnh đề ra 23 nhiệm vụ cụ thể để thực hiện kế hoạch này. Trong đó, các trường học, cơ sở giáo dục tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh trong trường học phù hợp diễn biến tình hình dịch và Ban Chăm sóc sức khỏe học sinh trường học và chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế địa phương trong các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho học sinh; xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các nội dung, nhiệm vụ công tác y tế trường học phù hợp với tình hình thực tế.

Xây dựng, ban hành Kế hoạch, Quy chế phối hợp liên ngành giữa Sở Y tế - Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai công tác y tế trường học hằng năm trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh phối hợp rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản có liên quan đến công tác y tế trường học và chủ động phối hợp để triển khai các hoạt động về y tế trường học; tăng cường công tác, kiểm tra, giám sát công tác y tế trường học trên địa bàn tỉnh. Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các trung tâm y tế huyện, thành phố triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động về y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục. Chỉ đạo cơ sở giáo dục, cơ sở y tế có chức năng hoặc được giao nhiệm vụ đào tạo trong khối ngành sức khỏe, đào tạo nhân lực y tế xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình, tài liệu đào tạo phù hợp với từng đối tượng đào tạo và tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ cho người làm công tác y tế trường học ngành Y tế và Giáo dục đáp ứng yêu cầu theo quy định pháp luật hiện hành về giáo dục.

Nâng cao năng lực chuyên môn và tổ chức mạng lưới cán bộ làm công tác y tế trường học. Bố trí nhân lực làm công tác y tế của nhà trường, cơ sở giáo dục để theo dõi, chăm sóc sức khỏe học sinh theo quy định tại Thông tư liên tịch của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về công tác y tế trường học. Tập huấn nâng cao kiến thức hàng năm cho cán bộ làm công tác y tế trường học tuyến tỉnh, tuyến huyện, tuyến xã và cơ sở giáo dục về công tác y tế trường học, sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống tai nạn thương tích trong trường học, an toàn thực phẩm, chăm sóc sức khỏe răng miệng, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch, bệnh và bệnh, tật học đường, phòng, chống bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần, phòng, chống HIV/AIDS, bữa ăn học đường đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.

Đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc thiết yếu và các điều kiện cần thiết khác. Các nhà trường, cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động tự kiểm tra, đánh giá các yếu tố vệ sinh trường học theo quy định; trên cơ sở kết quả kiểm tra, đánh giá tiến hành xây dựng kế hoạch cải tạo, khắc phục các nội dung về vệ sinh trường học chưa đảm bảo theo quy định; rà soát, điều chỉnh danh mục thuốc và thiết bị phục vụ công tác y tế trường học. Nhà trường có trách nhiệm thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt theo quy định. Các trường, cơ sở giáo dục có tổ chức bếp ăn bán trú tiếp tục chủ động rà soát và bổ sung các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ và con người phục vụ cho việc tổ chức bữa ăn học đường theo quy định.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe bằng nhiều hình thức, xây dựng các mô hình truyền thông giáo dục về các biện pháp phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, nhất là các dịch bệnh mới; đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm; dinh dưỡng hợp lý phòng, chống bệnh không lây nhiễm cho học sinh...

Tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe học sinh. Tăng cường hệ thống thông tin liên lạc với phụ huynh học sinh qua các kênh thông tin mạng xã hội, sổ liên lạc điện tử... để theo dõi sức khỏe học sinh, cung cấp thông tin về hoạt động phòng, chống dịch của nhà trường. Triển khai các văn bản hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục theo quy định. Thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, đảm bảo 100% học sinh tham gia Bảo hiểm y tế.

Các Trung tâm Y tế phối hợp với ngành Giáo dục bố trí cán bộ đầu mối làm công tác y tế trường học tại các trạm y tế cấp xã cũng như các cơ sở giáo dục để triển khai có hiệu quả các nội dung, hoạt động về y tế trường học, chăm sóc sức khỏe học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, phòng, chống tai nạn thương tích, công tác phòng, chống dịch, phòng, chống HIV/AIDS trong các cơ sở giáo dục.

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202411/bao-dam-su-phat-trien-toan-dien-ve-the-chat-tinh-than-cho-hoc-sinh-9702325/