Bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát

Chiều 22-11, Quốc hội thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV

Đại biểu Bùi Xuân Thống, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật sẽ đáp ứng yêu cầu hội nhập, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh minh bạch, thúc đẩy phát triển thị trường thương mại, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa chính sách của Nhà nước về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV

Đại biểu Nguyễn Thị Như Ý, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu. Ảnh: CTV

Góp ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc quy định nội dung này là một nguyên tắc của hoạt động giám sát vì nguyên tắc của hoạt động giám sát phải là những tư tưởng chủ đạo, yêu cầu cơ bản có tính định hướng, chi phối, xuyên suốt các hoạt động giám sát, đồng thời cần phân biệt, không trùng lặp với mục đích giám sát.

Đối chiếu với yêu cầu trên, có thể nhận thấy, việc bảo đảm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng và thực thi pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương thực chất là một trong những mục tiêu hướng đến của hoạt động giám sát, thường gắn với kết quả của hoạt động giám sát và không phải tất cả các hoạt động giám sát đều đáp ứng được mục tiêu trên.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải tham gia phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Hải tham gia phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: CTV

Góp ý vào giải pháp bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát (khoản 50, Điều 1 của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 89 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND), các đại biểu cho rằng các giải pháp được bổ sung cơ bản kế thừa quy định hiện hành tại khoản 1, Điều 89 của luật hiện hành.

Trong khi đó, việc có cơ chế hiệu quả để bảo đảm thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị giám sát là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và cử tri quan tâm nhất hiện nay nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử.

Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các giải pháp (mới) thực sự hiệu quả để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, bảo đảm thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.

T.Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/bao-dam-thuc-hien-day-du-kip-thoi-nghiem-tuc-cac-ket-luan-kien-nghi-giam-sat-1cc38a6/