Bảo đảm tính bền vững của chính sách bảo hiểm y tế
Tính đến hết năm 2020, cả nước có 87,97 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ 90,85% dân số, vượt 10,85% so với chỉ tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 68/2013/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu trong giai đoạn mới, mở rộng độ bao phủ tiến tới bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm tính bền vững của BHYT là vấn đề hết sức quan trọng được đặt ra cho hệ thống y tế cũng như hệ thống bảo hiểm xã hội.
Mở rộng độ bao phủ bảo hiểm y tế
Tại phiên họp Quốc hội thảo luận trực tuyến về quản lý và sử dụng Quỹ BHYT năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 68, chiều 27/10, một vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là làm sao mở rộng diện bao phủ BHYT một cách bền vững. Đại biểu Đoàn Lê Thị An (Cao Bằng) cho biết, đến ngày 31/8/2021, tổng số người tham gia BHYT là 85,21 triệu, giảm 0,53 triệu người so năm 2019 và giảm 2,76 triệu người so năm 2020. Nguyên nhân là do tình hình dịch Covid-19, do các địa phương khó bố trí ngân sách, hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng theo quy định, và do Luật BHYT còn thiếu quy định chế tài cụ thể áp dụng đối với đối tượng tự đóng, được hỗ trợ đóng BHYT nhưng không tham gia như học sinh, sinh viên, hộ gia đình.
Một nguyên nhân khác là do ảnh hưởng của việc thực hiện Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các xã đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới chuyển từ khu vực III sang khu vực I. Do đó, các đối tượng là người dân tộc thiểu số thuộc đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT không được hưởng chính sách nữa hoặc bị cắt đột ngột làm cho người dân khó khăn trong quá trình đi khám, chữa bệnh hoặc không có điều kiện tham gia BHYT tự nguyện, dẫn đến tỷ lệ bao phủ y tế toàn dân giảm xuống, có địa phương giảm từ 97% xuống 94%, có địa phương giảm từ 95% xuống 90%... Để người dân tộc thiểu số tiếp tục được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHYT, Chính phủ cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ, nhất là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các khu vực mới ra khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg; nghiên cứu nâng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng như: người thuộc hộ nghèo đa chiều, học sinh, sinh viên, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình tham gia BHYT. Bên cạnh đó, vẫn còn tới 500 nghìn người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo chưa có thẻ BHYT. Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang), Quốc hội cần nghiên cứu giảm độ tuổi người cao tuổi được hưởng chính sách BHYT miễn phí từ 80 xuống 75 tuổi, hỗ trợ 100% mức đóng cho người cao tuổi thuộc hộ cận nghèo...
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tuyến cơ sở
Theo đại biểu Chamaleá Thị Thủy (Ninh Thuận), cần đầu tư hơn nữa để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Hiện, chất lượng khám, chữa bệnh ban đầu của người có thẻ BHYT ở tuyến xã, tuyến huyện chưa được bảo đảm, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Đồng thời, cần sớm ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản do BHYT chi trả một cách toàn diện để giải quyết triệt để tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT từ phía cơ sở khám, chữa bệnh, người bệnh; giải quyết được những bất cập trong phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh theo phí dịch vụ được áp dụng trong những năm qua và xóa bỏ sự thiếu thống nhất giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trong thanh, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...
Tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng khẳng định, thời gian qua y tế cơ sở được đánh giá là nền tảng, là bệ đỡ cho công tác chăm sóc sức khỏe người dân, đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, những đầu tư, quan tâm cho đến nay chưa được như mong muốn. Vì vậy, Bộ Y tế đang tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hệ thống y tế cơ sở trên các lĩnh vực như: Tăng cường đầu tư cho y tế cơ sở; đổi mới về nhân lực cho y tế cơ sở; đổi mới về cơ chế tài chính, để y tế cơ sở tiếp tục phát triển, bảo đảm công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay tại địa bàn nơi sinh sống...
Đối với vấn đề thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để trong năm 2021 không giao dự toán tổng, gọi là trần thanh toán, cho các cơ sở y tế nữa mà trên cơ sở thực thanh, thực chi. Tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đổi mới phương thức thanh toán BHYT theo quy định của Luật BHYT, đó là thanh toán theo định suất và thanh toán theo ca bệnh tương đương. Về thu, chi và Quỹ BHYT, trong thời gian qua có những bất cập do mức đóng BHYT còn ở mức độ rất giới hạn. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, mức đóng hiện nay không thay đổi qua nhiều năm nhưng Bộ đã đưa dịch vụ y tế và đặc biệt dịch vụ y tế kỹ thuật cao, vào trong thanh toán. Vì vậy, bảo đảm cân đối nguồn Quỹ BHYT là một vấn đề đặt ra trong thời gian tới...