Bảo đảm tính chính xác, cụ thể, tránh phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế

Sáng 28.9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới

Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày cho biết, ngày 9.7.2021, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã thống nhất về nguyên tắc Giải pháp Hai trụ cột nhằm giải quyết các thách thức về thuế phát sinh trong quá trình số hóa nền kinh tế. Và hiện nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước thành viên IF, trong đó có Việt Nam (dù không có ý kiến bảo lưu về nội dung này).

Thuế tối thiểu toàn cầu (TTTC) không phải là điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế TTTC, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng mức thuế suất thực tế tại Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Ảnh: Hồ Long

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu. Ảnh: Hồ Long

Do đó, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng Thuế TTTC. Theo hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) về quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Thuế TTTC có bản chất là thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung và các nước cần quy định trong hệ thống pháp luật của mình cho phù hợp.

Theo quy định tại Khoản 4, Điều 70 của Hiến pháp, thì Quốc hội “quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các thứ thuế”. Vì vậy, việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (Thuế TTTC) cần phải trình Quốc hội xem xét, quy định. Đồng thời, việc ban hành chính sách thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; việc áp dụng các quy định về thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới.

Dự án Nghị quyết gồm 9 Điều, quy định áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung đối với người nộp thuế theo quy định về chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT)…

Bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam

Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày nêu rõ, các quy định về việc áp dụng Thuế TTTC gọi tắt là quy định GloBE được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hóa các quy định về thuế TTTC, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Hồ Long

Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, Thường trực Ủy ban nhất trí cần ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài thuộc diện điều chỉnh của GloBE có thể kê khai nộp thuế TNDN bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam. Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế TTTC, đa số ý kiến trong Thường trực nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật này.

Về các giải pháp để thực hiện Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, còn thiếu các nội dung cần thiết về công tác thu thập, tổng hợp các thông tin, số liệu hàng năm liên quan đến doanh thu, lợi nhuận… của tổ chức thành viên của Tập đoàn đa quốc gia có Công ty mẹ tối cao đặt tại nước ngoài, tổ chức thành viên tại nước ngoài của các Tập đoàn đa quốc gia nội địa, làm cơ sở xác định đối tượng thuộc phạm vi áp dụng thuế TTTC hàng năm.

Do đó, đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ thêm về việc chuẩn bị và triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo khẩn trương tham gia các Thỏa thuận đa phương về trao đổi thông tin tự động của OECD để có thể tiếp cận và khai thác thông tin về các tập đoàn thuộc đối tượng của thuế TTTC…

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về thẩm quyền ban hành, sự cần thiết, mục tiêu cũng như tên gọi dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Các đại biểu dự Phiên họp. Ảnh: Hồ Long

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ rà soát các nội dung để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật. Đối với các khái niệm chưa được quy định cụ thể tại các đạo luật cần cân nhắc, rà soát thận trọng để tuân thủ đúng các nguyên tắc do OECD hướng dẫn và bảo đảm tính chính xác, cụ thể, dễ hiểu trong từng nội dung quy định tại Nghị quyết. Đánh giá tác động cũng như quy định rõ hơn về các giải pháp để bảo đảm việc triển khai thực hiện Nghị quyết tránh phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp quốc tế cũng như cơ chế trao đổi thông tin hoặc phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện. Có phương án xử lý việc trên thực tế các tập đoàn đa quốc gia, công ty mẹ sử dụng hệ thống kế toán khác biệt với công ty thành viên tại Việt Nam có thể dẫn tới chênh lệch số liệu khi tính nghĩa vụ thuế bổ sung. Bộ Tài chính khi Quốc hội thông qua, trình Chính phủ ban hành nghị định thực hiện cần phối hợp các cơ quan liên quan tuyên truyền rộng rãi trong Nhân dân và các doanh nghiệp rõ hơn về Nghị quyết này.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý, Chính phủ tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, đánh giá kỹ quy trình triển khai trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn tại Kỳ họp thứ Sáu (tháng 10.2023).

N. Thành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/bao-dam-tinh-chinh-xac-cu-the-tranh-phat-sinh-mau-thuan-tranh-chap-quoc-te--i344677/