BẢO ĐẢM TÍNH ĐẶC THÙ CHO XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 08/11, Quốc hội tiến hành thảo luận Tổ về dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Tại Tổ 04 gồm các Đoàn ĐBQH các tỉnh/thành phố: Hải Phòng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Lai Châu, Thừa Thiên – Huế, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật, nhấn mạnh yêu cầu cần có các cơ chế, chính sách đặc thù đề phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc xây dựng Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp là rất cần thiết, nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trước mắt và lâu dài. Phát huy vai trò chức năng, nhiệm vụ của nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trong đảm bảo vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang Nhân dân; tổ chức đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở công nghiệp quốc phòng, cơ sở công nghiệp an ninh phù hợp đặc thù nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp và gắn với phương thức tác chiến của Quân đội, nhiệm vụ của Công an, đáp ứng với kinh tế thị trường, hội nhập toàn cầu; bảo đảm tập trung, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Đồng thời, huy động các thành phần kinh tế, doanh nghiệp ngoài lực lượng vũ trang nhân dân có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ tham gia đầu tư phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và thực hiện nhiệm vụ động viên công nghiệp, tham gia sản xuất, sửa chữa vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang nhân dân; đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế.
Dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp gồm 07 chương và 73 điều. Nội dung Luật tập trung vào 05 chính sách nổi bật đã được Chính phủ, Quốc hội thông qua, gồm: Phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh theo hướng lưỡng dụng, bảo đảm sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong hoạt động công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Hoàn thiện, sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Thúc đẩy hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh. Huy động nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và Bảo đảm hiệu quả hoạt động động viên công nghiệp.
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật với các lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; khắc phục những hạn chế, bất cập sau 15 năm thực hiện Pháp lệnh Công nghiệp quốc phòng (năm 2008), 20 năm thực hiện Pháp lệnh Động viên công nghiệp (năm 2003) và thực tiễn phát triển công nghiệp an ninh; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, phòng thủ và bảo vệ Tổ quốc thời bình và thời chiến.
Nhấn mạnh rằng, công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong thực hiện các chiến lược về quốc phòng, quân sự, an ninh quốc gia; xây dựng thế trận, tiềm lực quốc phòng, an ninh, phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Các đại biểu cho rằng cần xử lý mối quan hệ giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp bảo đảm tính gắn kết, đồng bộ giữa công nghiệp quốc phòng, an ninh và công nghiệp quốc gia; xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, khả thi để xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Do đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo dự án Luật tiếp tục rà soát làm rõ mối quan hệ gắn kết giữa công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh; nội hàm của công nghiệp quốc phòng và công nghiệp an ninh với công nghiệp quốc phòng, an ninh; đặt trong tổng thể nền công nghiệp quốc gia và cả nền kinh tế, trước yêu cầu xây dựng, tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Thị Sửu đề nghị quan tâm đến các nội dung sản xuất trang thiết bị, vũ khí trong bối cảnh hội nhập toàn cầu chú ý đến vũ khí công nghệ cao, vấn đề đặt ra là khả năng làm chủ công nghệ. Cùng với đó là nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cần được sàng lọc và đạo tạo. Tuy nhiên dự thảo Luật chưa quy định rõ cách thức đào tạo, tiêu chuẩn, điều kiện cần và đủ nguồn nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực này.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho rằng đã đến lúc làm giàu được từ công nghiệp quốc phòng an ninh. Do đó, cần có chương, mục riêng bên cạnh hợp tác quốc tế còn có thương mại quốc tế.
Hiện nay, hợp tác quốc tế về công nghiệp quốc phòng chủ yếu vẫn diễn ra một chiều, phần lớn là nhập khẩu vũ khí trang bị kỹ thuật từ các nước; sản phẩm công nghiệp quốc phòng chưa thâm nhập sâu rộng vào thị trường xuất khẩu vũ khí. Dự thảo luật cũng chưa thể hiện rõ vấn đề xuất khẩu. Hoạt động xuất khẩu vũ khí trang bị quân sự và xúc tiến thương mại quân sự chưa được quy định trong Pháp lệnh. Sản phẩm quốc phòng xuất khẩu, năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của nhiều doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng còn hạn chế.
Đại biểu Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, việc nghiên cứu hiện đại hóa, công nghiệp hóa bên cạnh phục vụ quốc phòng, an ninh còn có thể kinh tế hóa, thương mại để phát triển công nghiệp quốc phòng góp phần vào phát triển kinh tế.
Đại biểu Đỗ Văn Yên – Đoàn ĐBQH Bà Rịa – Vũng Tàu nêu rõ đây là lĩnh vực đặc thù nên cần có quy định về các chính sách đặc thù trong nhiệm vụ của công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh và động viên công nghiệp; nguyên tắc xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.
Theo đại biểu Đỗ Văn Yên cần có một điều riêng quy định về chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp với các chính sách đặc thù về đầu tư nguồn lực, phát triển khoa học công nghệ trong công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng hiện đại, lưỡng dụng.
Nêu rõ lĩnh vực công nghiệp quốc phòng an ninh là lĩnh vực đặc thù, do đó, đại biểu Nguyễn Minh Quang - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng bày tỏ tâm đắc khi dự thảo quy định về Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ phát triển khoa học công nghệ; Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao và các quỹ khác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ; nguồn vốn và các quỹ hợp pháp khác của cơ sở công nghiệp quốc phòng nòng cốt, cơ sở công nghiệp an ninh.…để có nguồn lực cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Hay như quy định về việc mua sắm sản phẩm, vật tư, bán thành phẩm, thiết bị đặc chủng phục vụ nghiên cứu, phát triển vũ khí trang bị kỹ thuật, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ đặc biệt, an ninh mạng được thực hiện thông qua hình thức chỉ định nhà cung cấp theo giá đàm phán trực tiếp; quy định hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ công nghiệp quốc phòng, an ninh theo nhiệm vụ do cấp có thẩm quyền phê duyệt được hưởng chính sách miễn trách nhiệm dân sự và được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro do nguyên nhân khách quan, đại biểu Nguyễn Minh Quang chỉ rõ.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=81949