Bảo đảm tốt nhất quyền cho người chưa thành niên trong tố tụng

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) quy định về xử lý chuyển hướng, hình phạt và thủ tục tố tụng đối với NCTN phạm tội; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN... nhằm đảm quyền, sự thân thiện trong hoạt động tư pháp đối với NCTN.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Đồng Nai (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) thi tìm hiểu pháp luật học đường. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú Đồng Nai (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom) thi tìm hiểu pháp luật học đường. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ

Bảo vệ NCTN trong hoạt động tư pháp

Tại Điều 2, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định, Luật Tư pháp NCTN có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, tổ chức, bảo vệ trật tự xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích tốt nhất cho NCTN; bảo đảm việc xử lý NCTN phù hợp với độ tuổi, khả năng nhận thức, đặc điểm nhân thân, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; giáo dục, giúp đỡ NCTN tự sửa chữa sai lầm, cải thiện hành vi, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Luật sư Hà Mạnh Tường, Chánh Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh phân tích, pháp luật hiện hành tồn tại một số hạn chế trong hoạt động tố tụng đối với NCTN. Cụ thể như: thủ tục tố tụng hình sự vốn được thiết kế dành cho người trưởng thành và có một số quy định để giải quyết các vấn đề liên quan đến NCTN, dẫn đến thủ tục chưa thực sự thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi và sự phát triển của NCTN. Biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp NCTN được miễn trách nhiệm hình sự tuy đã được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015 để thay thế các hình phạt nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi; hệ thống hình phạt chưa phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội của NCTN. Còn thiếu thiết chế, cơ chế đặc thù riêng biệt để bảo vệ có hiệu quả các quyền và lợi ích chính đáng của NCTN trong các giai đoạn tố tụng; chưa thiết lập được cơ chế điều phối quốc gia về tư pháp NCTN...

Luật sư HÀ MẠNH TƯỜNG, Chánh Văn phòng Đoàn Luật sư tỉnh góp ý, tên Dự thảo Luật Tư pháp NCTN nên đổi thành Dự thảo Luật Tư pháp đối với NCTN sẽ đúng với mục tiêu là cần có các thủ tục tư pháp đối với đối tượng riêng biệt là NCTN, chỉ dành cho loại đối tượng này. Còn dùng tên gọi như dự thảo là không thể hiện được đầy đủ mục đích, ý nghĩa được quy định tại Điều 1 (Phạm vi điều chỉnh) của dự thảo.

Chính vì vậy, theo luật sư Hà Mạnh Tường, sự ra đời của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN là cần thiết, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội trong quá trình áp dụng các biện pháp tư pháp đối với NCTN phạm tội, vi phạm pháp luật, người bị người khác xâm hại về sức khỏe, tinh thần...

Cụ thể, tại Điều 5 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định, khi giải quyết vụ việc có NCTN phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của họ. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự NCTN phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, tại Điều 6 của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định, thủ tục tố tụng đối với NCTN phải bảo đảm đơn giản, phù hợp, gần gũi với tâm lý lứa tuổi, khả năng nhận thức của NCTN.

Còn theo luật gia Vòng Khiềng, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định rất nhiều vấn đề được dư luận quan tâm trong hoạt động tư pháp đối với NCTN như: giải quyết vụ việc có NCTN phải bảo đảm nhanh nhất có thể, ưu tiên áp dụng thủ tục rút gọn và hạn chế việc gia hạn (Điều 10). Biện pháp xử lý chuyển hướng được ưu tiên áp dụng đối với NCTN trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Ưu tiên áp dụng hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, hình phạt tù cho hưởng án treo đối với NCTN phạm tội. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với NCTN phạm tội (Điều 12)…

Vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp

Với góc nhìn của các chuyên gia pháp lý, bên cạnh tính thống nhất, trọn vẹn về nội dung, hình thức, các quy định pháp luật được dẫn chiếu…, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN vẫn còn vài vấn đề cần hoàn thiện.

Chẳng hạn, tại Điều 3 Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định, việc giải quyết vụ án hình sự có NCTN được áp dụng theo quy định của luật này, đồng thời theo những quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các luật khác không trái với quy định của Luật Tư pháp NCTN.

Luật sư Hà Mạnh Tường góp ý, Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định như vậy dễ dẫn đến cách hiểu những quy định tại Dự thảo Luật Tư pháp NCTN là quy định được dẫn chiếu đối với Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 và các luật khác. Điều đó là chưa đúng với quy định về hiệu lực của hệ thống pháp luật Việt Nam (bộ luật có hiệu lực cao hơn Luật Tư pháp NCTN). Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và quy định lại nội dung tại Điều 3 của Dự thảo cho phù hợp.

Cũng theo luật sư Hà Mạnh Tường, khoản 1, Điều 4 của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN quy định còn thiếu chủ thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Bởi lẽ trong thực tế, người có quyền, nghĩa vụ liên quan là NCTN trong các vụ án hình sự khá phổ biến. Do đó, cần bổ sung đối tượng này vào Dự thảo Luật Tư pháp NCTN cho phù hợp.

Bên cạnh đó, luật gia Đỗ Văn Gọn (Hội Luật gia tỉnh) góp ý, tại khoản 1, Điều 15 của Dự thảo Luật Tư pháp NCTN có quy định, các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với NCTN bị buộc tội trong trường hợp thật cần thiết theo quy định của luật này. Quy định này nên sửa thành, các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế chỉ được áp dụng đối với NCTN bị buộc tội trong trường hợp thật sự cần thiết và phạm tội trong trường hợp rất nghiêm trọng. Như vậy sẽ hợp lý hơn, đúng với bản chất, mục tiêu mà Dự thảo Luật Tư pháp NCTN hướng tới.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/ban-doc/202405/bao-dam-tot-nhat-quyen-cho-nguoi-chua-thanh-nien-trong-to-tung-753310b/