Bảo đảm việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm được thực hiện nghiêm túc, công bằng

Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Theo các đại biểu Quốc hội, cần rà soát, đánh giá kỹ về tính hiệu quả xã hội khi quy định đây là loại bảo hiểm bắt buộc; đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp số tiền bồi thường từ bảo hiểm không đủ chi trả cho thiệt hại của khách hàng.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp

Bổ sung quy định về xử lý khi bảo hiểm không đủ chi trả

Điều 36a dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) hiện đang quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị kế thừa quy định của Luật Công chứng hiện hành về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc và quy định rõ hơn về mua bảo hiểm trách nhiệm cho công chứng viên trong Luật; giao Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính thống nhất ban hành bộ quy tắc về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên.

 Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Ảnh: Hồ Long

Chính phủ đề nghị quy định Văn phòng công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho công chứng viên, tuy nhiên, không quy định đây là bảo hiểm bắt buộc như Luật hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, công chứng là dịch vụ công, đồng thời có tính rủi ro nghề nghiệp cao, cần phải có cơ chế bảo vệ quyền lợi của công chứng viên trong hành nghề công chứng. Việc quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là bảo hiểm bắt buộc có tính chặt chẽ, an toàn cao hơn cho hoạt động nghề nghiệp của công chứng viên.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, trên cơ sở kế thừa Luật Công chứng hiện hành, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36a quy định: Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên (khoản 3).

 ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cho rằng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là một cơ chế quan trọng nhằm bảo vệ công chứng viên và khách hàng của họ trước các rủi ro pháp lý phát sinh từ sai sót, thiếu sót hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình hành nghề, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình) nêu rõ, tại Việt Nam, quy định về bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên được đặt ra nhằm bảo đảm trách nhiệm của công chứng viên đối với các thiệt hại mà khách hàng có thể phải gánh chịu do sai sót của các công chứng viên.

Dự thảo Luật lần này đã bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo đảm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên, bổ sung cơ chế giám sát việc tham gia bảo hiểm để bảo đảm việc tham gia bảo hiểm được thực hiện nghiêm túc, công bằng và bảo vệ tối đa quyền lợi của các bên liên quan.

Tuy nhiên, đại biểu Đặng Bích Ngọc chỉ rõ, trong thực tiễn, nếu mức bồi thường từ bảo hiểm không đủ để chi trả cho toàn bộ thiệt hại của khách hàng, Luật Công chứng chưa quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng trong các trường hợp này thì gây khó khăn cho khách hàng khi đòi bồi thường toàn bộ thiệt hại.

Do đó, đề nghị bổ sung quy định về xử lý khi bảo hiểm không đủ chi trả theo hướng quy định rõ trách nhiệm của công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng trong trường hợp số tiền bồi thường từ bảo hiểm không đủ chi trả cho thiệt hại của khách hàng. Điều này có thể bao gồm trách nhiệm liên đới của các công chứng viên hoặc việc sử dụng quỹ dự phòng của văn phòng công chứng để bù đắp.

Rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả xã hội

Quan tâm đến nội dung quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc, ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) cho biết, hiện tại bảo hiểm bắt buộc đang được quy định tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022. Trong đó, bảo hiểm bắt buộc bao gồm: bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác nhằm mục đích bảo vệ quyền, lợi ích công cộng, môi trường và an toàn xã hội.

Trên cơ sở quy định này, loại trừ điểm a, b, c, tại Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm không bắt buộc đối với công chứng viên. Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị, cần đối chiếu, cân nhắc kỹ, xác định rõ bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và công chứng viên có phải bắt buộc nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi công cộng hoặc an toàn xã hội hay không. Bởi, công chứng viên hoạt động chủ yếu theo tư cách cá nhân và tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng mà mình thực hiện.

 ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Bên cạnh đó, quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của công chứng viên là loại hình bảo hiểm bắt buộc đã được quy định từ Luật Công chứng năm 2014. Đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị rà soát, đánh giá thêm về tính hiệu quả xã hội, chi phí bỏ ra để mua bảo hiểm bồi thường cho bên bảo hiểm khi công chứng viên xảy ra các sự kiện pháp lý để có cơ sở thực tiễn đầy đủ khi đưa ra quy định.

 ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Cũng đồng tình với quan điểm ngành nghề công chứng là phải có bảo hiểm, song ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với đề nghị của Chính phủ là không nhất thiết công chứng viên nào cũng phải mua bảo hiểm. Đại biểu nêu ví dụ, đối với văn phòng công chứng thì cá nhân công chứng viên phải tự bỏ tiền để mua bảo hiểm, không được nhà nước hỗ trợ như đối với công chứng viên của Văn phòng công chứng nhà nước. Trong khi đó, bản thân các công chứng viên cho rằng, họ hành nghề công chứng, trách nhiệm cá nhân đã thuộc về họ và nếu có sơ suất xảy ra, họ hoàn toàn chịu trách nhiệm. Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, không nên bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với công chứng viên mà nên dựa theo điều kiện cụ thể và ý thức tự giác của công chứng viên quyết định họ có mua hay không?

 ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phát biểu. Ảnh: Hồ Long

Mặt khác, dự thảo Luật quy định tổ chức hành nghề công chứng phải thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm cho Sở Tư pháp trong thời hạn 10 ngày. ĐBQH Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đề nghị cần bổ sung chế tài xử phạt đối với trường hợp tổ chức hành nghề công chứng không thực hiện nghĩa vụ thông báo đúng thời hạn để bảo đảm tính minh bạch và trách nhiệm của tổ chức hành nghề công chứng trong việc duy trì bảo hiểm cho công chứng viên.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bao-dam-viec-tham-gia-bao-hiem-trach-nhiem-duoc-thuc-hien-nghiem-tuc-cong-bang-post394392.html