Báo Đảng địa phương trong 'dòng chảy' của báo chí hiện đại

Cùng với quá trình phát triển báo chí số, các tờ báo địa phương đang ngày càng nâng cao chất lượng thông tin, đáp ứng nhu cầu đa dạng về xem - nghe - đọc của công chúng.

Phóng viên Báo Đồng Nai tác nghiệp tại sự kiện Tuần lễ Văn hóa giáo dục thành phố Biên Hòa năm 2023.

Phóng viên Báo Đồng Nai tác nghiệp tại sự kiện Tuần lễ Văn hóa giáo dục thành phố Biên Hòa năm 2023.

Tuy vậy, tâm lý “báo địa phương” dường như đang là rào cản khiến các tờ báo chưa thực sự bứt phá để phát triển lớn mạnh, cạnh tranh thông tin với những “tờ báo lớn”, “báo trung ương”. Đây là điều mà đội ngũ ban biên tập, biên tập viên, phóng viên các tờ báo cần khắc phục để nâng chất tờ báo của mình.

Ít bài viết mang tính phản biện

Theo dõi báo chí cả nước trong những năm gần đây, Trưởng khoa Truyền thông Trường đại học Hoa Sen (Thành phố Hồ Chí Minh), tiến sĩ Trần Bá Dung nhận thấy hầu hết các tờ báo địa phương đã có sự bắt nhịp và hòa mình vào dòng chảy - xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. Đó là xu hướng báo chí đa phương tiện (trong cách làm báo) và xu hướng tòa soạn hội tụ (trong tổ chức vận hành cơ quan báo chí). Về mặt công nghệ làm báo, hầu hết các báo địa phương đã thực sự chuyển đổi số.

Tiến sĩ Trần Bá Dung cho rằng, đó là điều rất đáng mừng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số hoạt động báo chí và hội tụ truyền thông trong tổ chức tòa soạn đòi hỏi sự thay đổi sâu sắc trong tư duy lãnh đạo báo chí, quản lý báo chí, trong phương thức tác nghiệp, trong quy trình biên tập, xuất bản và kinh doanh báo chí.

Theo ông Dung, những đòi hỏi rõ nhất với các lãnh đạo báo và các ban biên tập là về nhận thức, cần hội tụ về mặt tư duy lãnh đạo, quản lý, tổ chức tòa soạn. Trong xu thế hội tụ truyền thông, một tòa soạn phải được sắp xếp lại, tổ chức lại bộ máy, nhân lực, quy trình làm việc, trở thành một “guồng máy” thống nhất để sản xuất tin tức. Trong đó “sự đánh giá, sắp xếp, phân loại mức độ thể hiện và thời gian đăng tải thông tin” là công việc, là tầm của ban biên tập tờ báo.

Theo Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, một trong những mục tiêu chủ yếu đến năm 2025 là 50% cơ quan báo chí có nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hoạt động và đến năm 2030, mục tiêu này đạt 90% cơ quan báo chí.

Nhìn nhận thẳng vào thực tế báo chí hiện nay, tiến sĩ Trần Bá Dung cho hay, hạn chế chung của các tờ báo địa phương là cách lựa chọn và đưa thông tin lên mặt báo còn thiếu và chậm những thông tin đời sống hàng ngày, những vấn đề nóng hổi thời sự đời thường đang được công chúng địa phương quan tâm từng ngày, từng giờ. Báo in thông tin chậm một ngày, có được báo điện tử khắc phục nhưng vẫn chậm nhịp với mạng xã hội, với báo điện tử lớn khác có phóng viên thường trú tại địa phương.

Bù lại, các tờ báo địa phương lại có lợi thế là “người nhà” trong nắm và tiếp cận thông tin, nhất là thông tin đầu nguồn tại địa phương. Không ai hiểu địa phương bằng phóng viên địa phương. Không ai hiểu công chúng địa phương bằng báo, đài địa phương. Đây là lợi thế cần phát huy.

Để khắc phục hạn chế, theo tiến sĩ Trần Bá Dung, báo địa phương cần tổ chức tòa soạn thành trung tâm dữ liệu lớn của tỉnh, với sự hỗ trợ của chuyển đổi số báo chí. Cần đi sâu vào những vấn đề thuộc bản sắc riêng có của địa phương.

“Nói theo cách mới là “toàn cầu hóa sản phẩm” và “địa phương hóa thông tin”. Như thế mới hy vọng mở rộng công chúng, không những ở địa phương, mà còn ra cả nước, ra thế giới” - tiến sĩ Dung giải thích thêm.

Một hạn chế nữa của báo địa phương, theo tiến sĩ Trần Bá Dung, đó là tính phản biện, các bài điều tra còn có khoảng cách xa so với các báo lớn, báo trung ương. Điều này có thể do những quy định, thậm chí “bất thành văn”, trong việc thông tin những vấn đề nhạy cảm, tiêu cực tại địa phương. Cũng có thể do tâm lý “nội bộ” địa phương, nể nang, ràng buộc các quan hệ tại địa phương. Mặt khác, có thể do phóng viên, biên tập viên chưa đủ nội lực, kinh nghiệm, đủ tầm để phát hiện và đủ dũng cảm, kỹ năng phản biện vấn đề.

Muốn tăng cường các bài viết mang tính phản biện, các tờ báo Đảng địa phương cần có những yếu tố/điều kiện như: cần có tư duy phản biện của lãnh đạo báo trước mọi vấn đề, sự kiện có tầm ảnh hưởng lớn tại địa phương, dù đó là vấn đề gì, do cấp nào quyết định, ai thực hiện.

Thực tế cho thấy, ở địa phương nào cũng có những quyết sách, vì lý do nào đó mà thiếu khả thi, thậm chí sai sót, sai phạm… do thiếu phản biện chính sách, thiếu dân chủ trong lãnh đạo, thiếu tinh thần xây dựng và đấu tranh bảo vệ cái đúng, cái lành mạnh.

Cùng với đó, tờ báo cần có đội ngũ phóng viên có tư chất phản biện, có kiến thức ở nhiều mặt, nhất là về chủ trương, chính sách, pháp luật, văn hóa địa phương…; có kỹ năng thu thập, xử lý thông tin và viết bài phản biện.

“Đặc biệt, phải là những nhà báo có đạo đức nghề nghiệp trong sáng, “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” như lời cố nhà báo Hữu Thọ nói về nghề báo. Muốn thế, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí về những yêu cầu và kỹ năng này cho phóng viên, biên tập viên” - tiến sĩ Trần Bá Dung nhấn mạnh.

* Không phải cứ “giật tít, câu view” là giữ chân được bạn đọc

Làm thế nào để không chỉ phát triển, nâng cao chất lượng về nội dung, giữ chân được bạn đọc, mà còn tăng được nguồn thu nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ, biên tập viên, phóng viên, nhân viên là trăn trở chung của lãnh đạo các tờ báo, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế báo chí hiện nay.

Tiến sĩ Đỗ Anh Đức, Viện Đào tạo báo chí và truyền thông, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng xây dựng hệ sinh thái nội dung là một phần trong xây dựng chiến lược tổng thể, nhằm phát triển lượng độc giả tiếp cận ổn định và thường xuyên. Đây cũng là tiền đề cần thiết để chuẩn bị cho những bước đi bền vững trong chuyển đổi số, tái cấu trúc và hướng đến nền kinh tế báo chí dựa trên nguồn thu từ độc giả.

Theo tiến sĩ Đỗ Anh Đức, không ít tờ báo ở Việt Nam, và trong suy nghĩ của nhiều người làm báo cũng như quản lý báo chí, cho rằng cần phải thêm “gia vị” vào tin tức, phải biết cách “giật tít”, “câu view” thì mới có nhiều người xem, mới có được “traffic” (lưu lượng truy cập) và ảnh hưởng. Nhiều tờ báo cũng đang trả nhuận bút theo lượt xem, tương tác. Nhưng cách làm này cũng mang lại nhiều rủi ro và bất cập. Báo chí nói chung có thể phải trả giá đắt nếu chạy theo lượt “view”, phải hạ chuẩn giá trị nghề nghiệp và dần mất niềm tin, cũng như sự tôn trọng của độc giả.

“Theo thống kê lượt truy cập những năm gần đây đối với báo điện tử ở Việt Nam, tờ báo đang có lượt người đọc đông đảo nhất, bỏ xa các tờ báo còn lại, lại chính là tờ báo chủ trương tập trung vào đưa tin và áp dụng cách làm tin khá nghiêm cẩn, ngay ngắn, không “nghiêng ngả” theo hướng “câu view”, giật gân” - ông Đức dẫn chứng.

Đây là một thực tế giá trị, cho thấy rằng nhận định người đọc tin tức ở Việt Nam phần đông thích đọc những thứ “hot”, giật gân là hoàn toàn sai lầm. Các báo lớn trên thế giới đã và đang thành công với chuyển hướng thu phí từ độc giả qua hình thức thuê bao đều đã từ bỏ triết lý chạy theo lượt xem, vãng lai, để chuyển hướng phục vụ nhu cầu nghiêm túc của các độc giả thường xuyên.

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Đỗ Anh Đức khẳng định: Điều cốt lõi về chiến lược nội dung không phải là chạy theo “view”, hoặc cố gắng sản xuất thật nhiều bài vở chuyên sâu - điều vượt quá khả năng của nhiều tòa soạn, cơ quan báo chí, và cũng không hẳn là “khẩu vị” hàng ngày của độc giả. Ngược lại, những nội dung độc đáo, giá trị, có tính đặc thù của cơ quan báo chí mới là quan trọng.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202406/bao-dang-dia-phuong-trong-dong-chay-cua-bao-chi-hien-dai-15a5e73/