'Báo động đỏ' ở châu Âu: Nhiệt độ cao phá vỡ các kỷ lục
Nhiệt độ cao đến chóng mặt dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra trên khắp các khu vực phía Nam của châu Âu trong tuần này.
Bệnh viện ở Ý tăng nhanh số bệnh nhân
Các bệnh viện trên khắp nước Ý đã chứng kiến sự gia tăng mạnh về số người cần chăm sóc khẩn cấp vì các bệnh liên quan đến nắng nóng khi đợt nắng nóng tiếp tục bao trùm đất nước này với nhiệt độ ở Rome đã lập kỉ lục mới.
Một số bệnh viện báo cáo số lượng người đến các đơn vị cấp cứu do mất nước hoặc các vấn đề khác liên quan đến việc tiếp xúc quá nhiều với nắng nóng đã tăng 20-25%.
Nhiệt độ ở Rome đạt 41,8 độ C vào hôm 18/7, phá vỡ kỷ lục 40,7 độ C trước đó được thiết lập vào tháng 6 năm 2022. Nhiệt độ ở Sicily đạt khoảng 41 độ C và mức cao nhất là 45 độ C ở Sardinia.
Tại thành phố phía nam Napoli, bệnh viện Cardarelli cho biết 231 bệnh nhân đã được chăm sóc khẩn cấp ở đó trong vòng 24 giờ qua – tương đương với cứ mỗi 6 phút, bệnh viện lại tiếp nhận 1 bệnh nhân và số bệnh nhân nhập viện hàng ngày đang ở mức cao nhất kể từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020.
Antonio d'Amore, tổng giám đốc bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đang trải qua một thời điểm cực kỳ nhạy cảm. Trong số những người nhập viện hôm 17/7, 2% trong tình trạng nghiêm trọng và 38% trong tình trạng tương đối nguy kịch."
"Do tính chất nghiêm trọng của thời điểm này, tôi yêu cầu người dân chỉ liên hệ với phòng cấp cứu Cardarelli trong trường hợp thực sự cần thiết,” giám đốc d’Amore nói.
Bộ Y tế Ý đã đặt 23 thành phố bao gồm Rome, Florence, Bologna, Bari, Catania, Cagliari, Palermo và Turin trong tình trạng “báo động đỏ”, điều này có nghĩa là nắng nóng đã gay gắt đến mức được coi là mối đe dọa đối với sức khỏe của người dân.
Bộ Y tế kêu gọi mọi người mặc quần áo bằng vải lanh, tránh mạo hiểm ra ngoài trong những giờ nóng nhất và hạn chế uống rượu, cà phê và đồ uống có ga.
Tháng nóng nhất trên toàn cầu
Nghiên cứu được công bố vào tuần trước cho thấy có 61.672 ca tử vong liên quan đến nắng nóng trên khắp châu Âu vào mùa hè năm ngoáin. Tỷ lệ tử vong cao nhất ở Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Nhiệt độ cực cao do tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã dẫn đến việc phá vỡ các kỷ lục về nhiệt độ trên khắp bán cầu bắc vào mùa hè này. Tháng trước là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu và những ngày đầu tiên của tháng 7 được ước tính là những ngày nóng nhất. Nhiệt độ đại dương ở phía bắc Đại Tây Dương cao bất thường.
Ở châu Âu, các đợt nắng nóng liên tiếp đã khiến nhiệt độ tăng cao trên khắp Ý, Tây Ban Nha, Pháp, Serbia, Croatia và Hy Lạp, một số nơi đã ghi nhận hiện tượng cháy rừng.
Hannah Cloke, một nhà khoa học khí hậu và giáo sư tại Đại học Reading, đã so sánh tác động của một lò nướng khổng lồ trên Địa Trung Hải. Bà nói trong một tuyên bố hôm 17/7: “Bong bóng khí nóng thổi phồng ở Nam Âu đã biến Ý và các nước xung quanh thành một lò nướng pizza khổng lồ.
Liên tiếp các vụ cháy xuất hiện ở châu Âu
Khi cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra gia tăng, các nhà khoa học khẳng định rằng các sự kiện thời tiết cực đoan như sóng nhiệt sẽ trở nên thường xuyên hơn và dữ dội hơn. Nhiệt độ toàn cầu đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Simon Lewis, trưởng khoa Khoa học về biến đổi toàn cầu tại Đại học College London cho biết: “Đây mới chỉ là khởi đầu."
Cháy rừng trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary của Tây Ban Nha, bắt đầu vào sáng thứ Bảy, đã thiêu rụi 4.650 ha rừng, phá hủy 20 ngôi nhà và buộc hàng nghìn người phải sơ tán khẩn cấp, theo báo cáo của Reuters.
Hỏa hoạn cũng đã bùng phát ở Tenerife, một đảo khác thuộc Quần đảo Canary, Tây Ban Nha buộc khoảng 50 người phải sơ tán và thiêu rụi khoảng 60 ha rừng.
Tại Hy Lạp, hơn 500 lính cứu hỏa đang nỗ lực khống chế 4 đám cháy rừng.
Trong khi đó, hai đám cháy rừng lớn đang hoành hành ở phía đông nam và tây bắc Athens.
Một trận hỏa hoạn cũng đã khiến sân bay ở thành phố Catania trên đảo Sicily của Ý bị đóng cửa hôm đầu tuần